Sau thất bại ở VCK U.23 châu Á 2020, chúng ta hẹn lại năm 2022. Nhưng 2 năm nữa, lấy gì làm lại và đây cũng là lứa cầu thủ có nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV SEA Games sẽ diễn ra trên sân nhà hơn 1 năm nữa?
Sau thất bại ở VCK U.23 châu Á 2020, chúng ta hẹn lại năm 2022. Nhưng 2 năm nữa, lấy gì làm lại và đây cũng là lứa cầu thủ có nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV SEA Games sẽ diễn ra trên sân nhà hơn 1 năm nữa?
U.23 Việt Nam gây thất vọng ở VCK U.23 châu Á 2020 |
Trong 23 cầu thủ có mặt ở Thái Lan có 6 gương mặt còn đủ tuổi tham dự giải U.23 châu Á 2022. Đó là thủ môn Văn Toản, trung vệ Việt Anh (sinh năm 1999); tiền vệ Bảo Toàn, Hữu Thắng, tiền đạo Mạnh Dũng (sinh 2000) và thủ môn số 3 Y Eli Niê (2001). Tuy nhiên, trong số này chỉ có mỗi Việt Anh là đá chính, Bảo Toàn chỉ 20 phút cuối trận thua Triều Tiên, 4 cái tên còn lại không ra sân phút nào. Quá “hẻo” nếu so với giải đấu vừa qua, U.23 Việt Nam còn đến 7 nhà á quân 2 năm trước, trong đó có 4 người đá chính mà yếu hơn thấy rõ.
Vậy thì còn ai? Có thể kể thêm 5 cầu thủ từng có tên trong quá trình chuẩn bị nhưng bị loại trước thềm giải đấu: các hậu vệ Đặng Văn Tới (Hà Nội), Quang Nho (HAGL), Thiện Đức (B.BD); tiền vệ Trọng Đại và tiền đạo Danh Trung (Viettel). Cộng thêm Đoàn Văn Hậu vẫn còn có thể tham dự (sinh năm 1999) là vừa đủ đội hình 11 cầu thủ làm nòng cốt. Nhưng cái tên nào để lại ấn tượng nơi bạn như Quang Hải, Đức Chinh, Đình Trọng 2 năm trước ở Thường Châu? Kỳ tích ở Trung Quốc 2018 đến từ lớp cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường... được đầu tư sâu từ 4 năm trước đó, còn những “tân binh” tại VCK U.23 châu Á 2020 chỉ mới được “chăm bẵm” thời gian gần đây. Họ không thể kịp thích ứng ở sân chơi châu lục.
2 năm qua chúng ta đã tự hào khi liên tục hái quả từ công tác đào tạo trẻ. Nhưng thất bại tại VCK U.23 châu Á 2020 cho thấy sự hụt hẫng khá lớn ở lớp kế thừa và là bài học về công tác tuyển chọn, đào tạo, thi đấu một cách có hệ thống. Do đó, ngoài chuyện đào tạo của các CLB, ở cấp thượng tầng VFF phải có chiến lược, đầu tư mạnh mẽ. Cần kiện toàn hệ thống đào tạo trẻ với giáo án huấn luyện đồng nhất. Phải đầu tư đồng bộ, có chiều sâu cùng lúc nhiều lứa cầu thủ tài năng để có sự sàng lọc lực lượng liên tục.
Các cầu thủ trẻ của chúng ta hiện tại hầu như chỉ tập “chay”, thi đấu, cọ xát quá ít theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” đến giải lại lên. Do đó hệ thống thi đấu các giải trẻ cần gia tăng số trận đấu nhiều hơn. Để giải bài toán vì thành tích nên các CLB không dám sử dụng các cầu thủ trẻ, đã đến lúc VFF phải học tập mô hình tổ chức của Giải ngoại hạng Anh và nhiều quốc gia châu Âu, đó là tổ chức một nhánh đấu cho đội hình dự bị của các CLB song song theo lịch đấu và diễn ra 1 ngày ngay sau Giải vô địch quốc gia.
Trần Đỗ