Tại Sea Games 30, điền kinh, vật, bơi lội đã mang về 39/98 hcv, chiếm 40% ngôi vô địch, quyết định ngôi á quân toàn đoàn cho thể thao Việt Nam. Đáng chú ý đây cũng là 3 môn chính trong chương trình Olympic.
Tại Sea Games 30, điền kinh, vật, bơi lội đã mang về 39/98 hcv, chiếm 40% ngôi vô địch, quyết định ngôi á quân toàn đoàn cho thể thao Việt Nam. Đáng chú ý đây cũng là 3 môn chính trong chương trình Olympic.
Chiến thắng thuyết phục của Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ ở đường chạy chung kết 5.000m nữ trong ngày thi đấu cuối cùng ở SEA Games 30 |
“Nữ hoàng” vẫn giữ ngôi Hậu
Đã có không ít lo lắng, liệu điền kinh có bảo vệ được vị trí quán quân lần đầu tiên lật đổ Thái Lan 2 năm trước ở Malaysia do cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan? Chính vì vậy dù từng đoạt đến 17 HCV tại SEA Games 29 nhưng đội tuyển điền kinh đã xin hạ chỉ tiêu xuống còn 13-14 HCV và đã hoàn thành xuất sắc với 16 chức vô địch (cùng 12 HCB, 10 HCĐ), bảo vệ ngôi Hậu (hơn Thái Lan 4 HCV).
Cô gái vàng trên đường chạy Philippines là Nguyễn Thị Oanh, không chỉ bảo vệ được vị trí độc tôn ở 2 cự ly sở trường 1.500m và 5.000m mà còn lập “hat-trick” vàng với kỷ lục SEA Games ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nữ. “Bà mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền bảo vệ “cú đúp” 400m, 400m rào nữ. Tương tự là Dương Văn Thái ở nội dung 800m, 1.500m nam. Đặc biệt “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh trước sự cạnh tranh quyết liệt của 2 VĐV gốc Mỹ nhập tịch của nước chủ nhà, sau khi mất HCV cự ly 200m đã xuất sắc thắng lại Knott để bảo vệ chức vô địch nước rút 100m. Trần Nhật Hoàng ngay lần đầu tiên dự SEA Games đã làm được điều mà các thế hệ đàn anh không làm được: giành HCV 400m nam.
Đó còn là những tấm HCV SEA Games đầu tiên của Phạm Thị Thu Trang (10km đi bộ nữ), Phạm Thị Huệ (chạy 10.000m nữ), Đỗ Quốc Luật (3.000m vượt chướng ngại vật nam); và sau Đỗ Thị Thảo, Vũ Thị Ly, gương mặt mới Đinh Thị Bích tiếp nối, kế thừa thành công ở cự ly 800m nữ.
Ở nội dung tiếp sức, điền kinh Việt Nam không chỉ bảo vệ được ngôi đầu 4X400m nữ mà còn thâu tóm luôn cự ly này ở nam, đồng thời Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn còn đi vào lịch sử khi là những nhà vô địch mở đường của nội dung 4x400m hỗn hợp nam, nữ lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại SEA Games (thành tích 3’19”50 cũng đồng thời là kỷ lục).
Tuy nhiên bên cạnh việc Yến Hoa, Nguyễn Văn Lai mất HCV, chỉ về nhì ở nội dung 100m rào nữ và 5.000m nam, với việc nhà vô địch, HCV Asiad nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo xin tạm nghỉ, điền kinh Việt Nam trắng tay ở các nội dung nhảy mà SEA Games 29 từng giành được tới 4 HCV (nhảy 3 bước, nhảy cao, nhảy xa của nữ và nhảy xa nam). Đó là lỗ hổng cần sớm bù đắp.
Phương Duy
Nhân tố mới trên “đường đua xanh”
Nữ kình ngư vàng Ánh Viên chỉ đoạt 6 trong chỉ tiêu phấn đấu 8 HCV và như cô thừa nhận phong độ đã sa sút, nhưng bơi lội Việt Nam vẫn là á quân khu vực, chỉ sau Singapore với những “rái cá” nhập tịch. Tính cả chiếc HCV của Trần Tấn Triệu ở nội dung 10km ngoài trời, bơi lội thậm chí còn vượt thành tích trên “đường đua xanh” Malaysia 2 năm trước với 11 HCV (cùng 7 HCB, 9 HCĐ), đặc biệt không còn phụ thuộc quá nhiều vào Ánh Viên.
Nếu nữ VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30 mất 2 HCV ở nội dung 800m tự do và 50m ngửa thì Nguyễn Huy Hoàng ngoài bảo vệ thành tích 1.500m tự do còn lập cú đúp ở cự ly 400m (phá cả 2 kỷ lục, trong đó có kỷ lục của chính mình ở 1.500m và vượt chuẩn A đoạt tấm vé thứ 2 dự Olympic Tokyo 2020).
Đáng chú ý VĐV trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên đã bất ngờ giành 2 HCV ở nội dung 200m và 400m hỗn hợp. Đặc biệt với thành tích 4’20”65 ở cự ly 400m, kình ngư của Hải quân này còn phá kỷ lục SEA Games của đồng đội Nguyễn Hữu Kim Sơn lập 2 năm trước tới gần hai giây. Trưởng đoàn bơi lội Singapore phải ngạc nhiên gọi Hưng Nguyên là “ngôi sao mới nổi” của “đường đua xanh” Đông Nam Á.
Tuy nhiên so với SEA Games 29, mặc dù nới rộng khoảng cách với đoàn thứ 3 là Malaysia từ 5 lên 8 HCV, nhưng bơi lội Việt Nam lại bị Singapore bỏ xa hơn, từ thua 9 HCV lên 13 HCV.
Trường Xuyên
Việt Nam khẳng định vị thế “độc cô cầu bại” ở môn vật
Sau 2 kỳ đại hội 2017, 2019 nước chủ nhà Singapore và Malaysia loại bỏ, SEA Games 30 Philippines đưa bộ môn vật trở lại thi đấu và Việt Nam lập tức khẳng định vị thế “độc cô cầu bại” Đông Nam Á ở bộ môn vốn là truyền thống này.
Vật tổ chức 14 nội dung thì chúng ta giành 12 HCV, qua đó vượt qua bơi lội trở thành “mỏ vàng” lớn thứ 2 của TTVN tại SEA Games 2019. Trong đó thâu tóm toàn bộ 8 ngôi quán quân (5 hạng cân nam và 3 nữ) ở nội dung vật tự do với: Nguyễn Văn Công, Cấn Tất Dự, Nguyễn Xuân Định, Nguyễn Hữu Định, Hà Văn Hiếu, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Kiều Thị Ly (55kg nữ). Trong 6 hạng cân vật cổ điển nam nếu đối thủ ở trận chung kết 63kg và 72kg không phải là VĐV chủ nhà thì Việt Nam đã “quét sạch” trọn bộ. 2 tấm HCV này của Phillippines cũng là 2 ngôi vô địch duy nhất của 6 quốc gia đối thủ tham gia tranh tài.
Ở kỳ SEA Games 2 năm tới trên sân nhà, nếu tổ chức tất cả các nội dung, các hạng cân của vật cổ điển và vật tự do vào thi đấu (tại SEA Games 22-2003 là 22 bộ huy chương), chắc chắn vật sẽ bỏ xa điền kinh để trở thành “mỏ vàng” lớn nhất.
Dương Cầm