Đội tuyển U.22+2 Việt Nam đã tiến bước đầu tiên trong hành trình chinh phục tấm HCV bóng đá nam trên đất Philippines. Thế nhưng đây đó vẫn có tranh luận, có nhất thiết cứ phải vô địch SEA Games?
Đội tuyển U.22+2 Việt Nam đã tiến bước đầu tiên trong hành trình chinh phục tấm HCV bóng đá nam trên đất Philippines. Thế nhưng đây đó vẫn có tranh luận, có nhất thiết cứ phải vô địch SEA Games?
Đội tuyển U.22+2 Việt Nam khởi đầu thuyết phục tại SEA Games 30 |
Trước giờ lên đường còn có ý kiến: bóng đá Việt Nam (BĐVN) đang “mù quáng” vì giấc mơ vàng SEA Games. Bởi, 2 năm qua chúng ta đã vươn tầm châu lục, giờ phải hướng đến “biển lớn” Asian Cup, World Cup, còn SEA Games chỉ là “ao làng”, chẳng để làm gì (!). Không sai. Nhưng không lý gì là á quân châu Á U.23, hạng 4 Asiad, vô địch AFF Cup và tốp 8 Asian Cup, có CLB vào chung kết liên khu vực AFC Cup; BĐVN lại không thể chinh phục ở đại hội thể thao của khu vực, nhất là chỉ còn thiếu SEA Games để trọn vẹn.
Nhưng quan trọng hơn, sở dĩ khát khao bằng mọi giá vì “giấc mơ con” này lại là món nợ lớn trước nhân dân. Bóng đá mang về HCV ngay kỳ đại hội đầu tiên (còn mang tên SEAP Games 1959) nhưng tròn 60 năm qua, khi Thái Lan có 15 lần đăng quang, Malaysia 6 lần, Myanmar 5 và Indonesia cũng kịp 2 lần lên ngôi, thì BĐVN chỉ có thêm 7 HCB. Còn tính từ cái mốc đội tuyển nước Việt Nam thống nhất trở lại hội nhập đấu trường khu vực ở Manila 1991 đến Manila 2019 này là 28 năm với 15 kỳ đại hội, chúng ta đã 5 lần thất bại ở trận chung kết. Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân! Cứ mỗi kỳ SEA Games đến rồi qua trong hy vọng rồi thất vọng. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng đầy. Cứ tưởng chừng “bây giờ chứ còn bao giờ” thì lại tự bắn vào chân mình, tự dâng chiến thắng cho đối thủ. Gần nhất là cảm giác thất bại tê tái 2 năm trước trên đất Malaysia, khi thầy trò HLV Hữu Thắng thua Thái Lan tan nát 0-3, muối mặt về nước ngay sau vòng bảng. Người hâm mộ không đau đáu sao được?
Tấm HCV này còn là món nợ với chính các đồng đội của Đoàn thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ SEA Games. Nỗ lực giành cả trăm huy chương của các VĐV ở những bộ môn khác vẫn thiếu trọn vẹn, ngày về vẫn kém vui, khi “đứa con cầu, con tự” có tên bóng đá nam thất bại.
Chính vì vậy, nếu thầy trò HLV Park Hang-seo không giải được “lời nguyền” 60 năm này thì kỳ SEA Games sau, sau nữa, “ao làng” vẫn cứ là khát khao một lần được tắm!
Sau HCB SEA Games 1995 tại Chieng Mai (Thái Lan), bóng đá nam Việt Nam còn thêm 1 lần vào chung kết vào năm 1999 tại Brunei, nhưng đó là thời kỳ Thái Lan quá mạnh, giấc mơ vàng hầu như không đặt ra. Đến năm 2001, khi SEA Games chuyển sang lứa U.23, sau trận chung kết 2003 vô cùng kịch tính, chỉ thua sít sao Thái Lan 1-2 ở hiệp phụ, cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng hồ hởi hét vào tai tôi trên sân Mỹ Đình: “Lứa này (Phạm Văn Quyến, Hữu Thắng, Quốc Vượng, Huy Hoàng, Tài Em, Minh Phương, Thanh Bình…) tốt lắm, triển vọng lắm anh ạ, kỳ tới chắc chắn sẽ lấy vàng!”. 2 năm sau đó “thế hệ vàng” này tan tác sau “đại án” Bacolod. |
Minh Chung