Ở vòng 9 V.League vừa qua, trận Hải Phòng - SLNA diễn ra rất nhàm chán, không bàn thắng nhưng thừa những pha vào bóng ghê người. Tuy nhiên, trọng tài "chỉ" rút ra 6 thẻ vàng và cũng không có án phạt nguội nào.
Ở vòng 9 V.League vừa qua, trận Hải Phòng - SLNA diễn ra rất nhàm chán, không bàn thắng nhưng thừa những pha vào bóng ghê người. Tuy nhiên, trọng tài “chỉ” rút ra 6 thẻ vàng và cũng không có án phạt nguội nào.
Bất chấp những chiến tích quốc tế của các đội tuyển, hình ảnh bóng đá Việt Nam một lần nữa trở nên xấu xí trước thế giới. Những pha bạo lực, cầu thủ lao vào nhau như thượng đài trên sân Lạch Tray trong trận Hải Phòng - SHB.ĐN ở vòng 5 đã xuất hiện trên Reddit - diễn đàn nổi tiếng thế giới, đứng thứ 6 về lượng người truy cập toàn cầu, với tiêu đề “Giao lưu võ thuật khủng khiếp...”. Đọc những dòng bình luận, người Việt không thể không cảm thấy xấu hổ: “Màn trình diễn bạo lực nhất mà tôi từng xem”, “Ồ, mỗi người đều đang đấu võ”, “Trọng tài thật khủng khiếp”, “Giải đấu này là thích hợp nhất cho Joey Barton (cầu thủ của Burnley đã đấm vào mặt HLV Daniel Stendel của Barnsley ở Giải hạng nhất Anh - NV), cuối cùng đã tìm được nơi lý tưởng cho anh ấy”...
Chỉ 2 ngày trước đó, tại Giải giao hữu U.17 Evergrande Cup 2019 ở Trung Quốc, cầu thủ Đức Anh của U.17 Hà Nội đã đấm thẳng vào mặt cầu thủ chủ nhà khiến anh chàng này phải may 6 mũi.
Phải chăng bạo lực là “bất trị” với sân cỏ Việt Nam?
Bóng đá là môn thể thao đối kháng nên khó tránh khỏi va chạm, tiểu xảo cũng là một phần không thể thiếu nhưng tất cả phải trong giới hạn, phạm vi luật lệ cho phép. Không thể bào chữa cho những màn đá xấu, đá láo, khiêu khích, triệt hạ đối phương bằng việc cho rằng: “Bóng đá là môn thể thao của những người đàn ông” như một HLV từng biện minh.
Thực ra bốc thuốc cho căn bệnh này không khó. Trước hết, để cắt ngay phần ngọn, thay vì ban hành những văn bản nhắc nhở chung chung thì VFF và VPF cần bật đèn xanh (và bảo vệ) cho các trọng tài mạnh dạn thẳng tay rút thẻ phạt đối với cầu thủ phạm lỗi thô bạo. Bên cạnh đó, tăng cường “phạt nguội” qua “mổ băng hình”. Chắc chắn nếu xử lý nghiêm minh những “cái đầu nóng” sẽ buộc phải “nguội”, chùn ngay. Thế mà ở trận Hải Phòng - SHB.ĐN “lên sóng quốc tế” nói trên không một án phạt nào được đưa ra, dù thừa thãi những màn “chém đinh, chặt sắt”, bóp cổ…
Với cái gốc, cần phải bắt đầu từ các trung tâm đào tạo, phải giáo dục cho cầu thủ ngay từ tấm bé tinh thần fair-play, tôn trọng, giữ chân cho đồng nghiệp cũng là cho sự nghiệp của chính mình. Với các đội bóng, cần phải thấy rằng bên cạnh thành tích thì những hành vi phi thể thao, bạo lực của cầu thủ sẽ làm hoen ố hình ảnh, thương hiệu của CLB, đánh mất tình cảm nơi người hâm mộ. Phải nói như thế bởi lối chơi bạo lực của một đội bóng, cầu thủ nếu lặp đi lặp lại phải có môi trường dung dưỡng. Tại sao cứ là Hải Phòng, là Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng của SLNA...?
Đông Kha