Chiến thắng đậm 4-0 trước U.22 Thái Lan đem lại sự nức lòng, hả hê khiến người ta dễ dàng bỏ qua những hạn chế, nhược điểm của tuyển U.22 Việt Nam. Trong men say hồ hởi, rất cần tỉnh táo đánh giá, nhìn nhận lại. Đặc biệt là khi mục tiêu chính của lứa cầu thủ này là chinh phục tấm huy chương vàng SEA Games vào cuối năm nay.
Chiến thắng đậm 4-0 trước U.22 Thái Lan đem lại sự nức lòng, hả hê khiến người ta dễ dàng bỏ qua những hạn chế, nhược điểm của tuyển U.22 Việt Nam. Trong men say hồ hởi, rất cần tỉnh táo đánh giá, nhìn nhận lại. Đặc biệt là khi mục tiêu chính của lứa cầu thủ này là chinh phục tấm huy chương vàng SEA Games vào cuối năm nay.
Vai trò của Quang Hải (19) trong U.22 và ĐTVN quá quan trọng |
Thực tế U.22 Việt Nam còn rất nhiều điều cần cải thiện. Qua 3 trận đấu tại vòng loại U.23 châu Á 2020 rõ ràng đội vẫn chưa có được sự ổn định, kết dính trong lối chơi. Điều này cũng dễ hiểu bởi U.22 Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, mất nguyên lứa sinh năm 1995-1996: Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Phan Văn Đức…, lại chỉ có 2 tuần tập trung. Những gương mặt mới, kể cả điểm sáng Hoàng Đức, chưa thực sự hòa nhập và lĩnh hội ý đồ chiến thuật của ông thầy người Hàn Quốc. Chính vì thế, vai trò của bộ 3 tuyển thủ quốc gia Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng vẫn quá quan trọng.
Khoảng cách giữa cầu thủ đá chính và dự bị chênh lệch khá lớn. Trong 7 cầu thủ từng tham dự Giải U.22 Đông Nam Á ở Campuchia trước đó chỉ có tiền vệ Thanh Sơn (HAGL) và tiền đạo Danh Trung (Viettel) được ra sân ở cuối trận gặp Thái Lan. Danh Trung cũng là cái tên duy nhất trong số 4 gương mặt sinh năm 1999-2000 còn có thể tham dự SEA Games 31 được thi đấu (không kể Văn Hậu, 3 cầu thủ còn lại là thủ môn Nguyễn Văn Toản, tiền vệ Lê Văn Xuân và tiền đạo Xuân Tú). Người ta cũng chưa thấy một cầu thủ nào có khả năng đóng vai trò quân bài dự bị chiến lược như Văn Đức, Văn Toàn, Hồng Duy của lứa U.23 á quân châu Á 2018.
Vị trí tiền vệ trung tâm dù có đến 6 cái tên (không kể Quang Hải) nhưng không có gương mặt nào nổi trội. Bộ đôi được HLV Park chọn Việt Hưng - Thái Quý, tuy rất cố gắng (Việt Hưng còn có 2 bàn thắng) nhưng không thể sánh với cặp đàn anh Xuân Trường - Đức Huy về cả tính sáng tạo lẫn độ chắc chắn. Ở trận gặp Brunei, mới phút 39 Thái Quý đã bị thay, đến trận gặp Thái Lan Ban huấn luyện phải đề xuất thầy Park chuyển sơ đồ từ 3-4-3 sang 3-5-2 với Thái Quý, Việt Hưng chuyên trách đánh chặn, phòng ngự để Quang Hải làm nhiệm vụ cầm bóng, điều tiết thế trận và tổ chức tấn công.
Nhưng “mỏng” nhất là tiền đạo. Mất Tiến Linh vì chấn thương, U.22 Việt Nam hầu như chỉ còn mỗi chân sút Đức Chinh (có điểm mạnh về tốc độ nhưng không sánh được với Công Phượng về khả năng cầm bóng đột phá, di chuyển), bởi Danh Trung, Xuân Tú còn quá non, Thanh Bình thì bị thay chỉ sau 20 phút vào sân từ ghế dự bị ở trận gặp Indonesia. May mà sự thử nghiệm tiền vệ Viettel Hoàng Đức ở vai trò này trước Thái Lan đã mang đến thành công.
Rõ ràng, U.22 Việt Nam cần có nhiều trận đấu, giải đấu cọ xát để gắn kết, ổn định lối chơi hơn và HLV Park cũng cần thêm nhiều thời gian để truyền đạt, nắm bắt kỹ hơn điểm mạnh, yếu của các học trò cũng như phát hiện, bổ sung những nhân tố mới. Quỹ thời gian đến SEA Games 30 vẫn còn đến 8 tháng, hãy khiêm tốn và chăm chỉ làm việc.
Đông Kha