Trước Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), Sài Gòn là trung tâm túc cầu của cả miền Nam, miền Trung với những trận "derby" nảy lửa (về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ở hạng danh dự giữa 3 đội hàng đầu: Tổng tham mưu, Cảnh sát quốc gia, Quan thuế. Sau ngày đất nước thống nhất là những cuộc đối đầu giữa Hải Quan - Cảng SG, Sở Công nghiệp - Công nghiệp thực phẩm, Cảng SG - Công an TP.Hồ Chí Minh... luôn làm vỡ sân.
Trước Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), Sài Gòn là trung tâm túc cầu của cả miền Nam, miền Trung với những trận “derby” nảy lửa (về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ở hạng danh dự giữa 3 đội hàng đầu: Tổng tham mưu, Cảnh sát quốc gia, Quan thuế. Sau ngày đất nước thống nhất là những cuộc đối đầu giữa Hải Quan - Cảng SG, Sở Công nghiệp - Công nghiệp thực phẩm, Cảng SG - Công an TP.Hồ Chí Minh... luôn làm vỡ sân.
Tuy nhiên, thời gian vật đổi sao dời. Những tượng đài lần lượt ra đi, những tên tuổi lẫy lừng nối nhau biến mất trong thời kinh tế thị trường, bóng đá lên chuyên. Thật kỳ lạ, là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng TP.Hồ Chí Minh lại không có một “ông bầu” nào đủ tiềm lực và độ “máu” như “bầu” Trường, “bầu” Kiên, “bầu” Long, “bầu” Hiển... ngoài Bắc. Kể từ mùa giải 2003, khi Cảng SG rớt hạng Giải vô địch quốc gia chỉ còn mỗi Ngân hàng Đông Á (đội bóng thoát thai từ Công an TP.Hồ Chí Minh) lấy đâu ra “derby” (sang mùa giải 2004 Thép miền Nam - Cảng SG trở lại thì Đông Á lại rớt hạng). Thậm chí đến mùa giải 2009 thì “hòn ngọc Viễn Đông” hoàn toàn biến mất trên bản đồ bóng đá đỉnh cao nước nhà khi Thép miền Nam - Cảng SG vừa đổi tên thành TP.Hồ Chí Minh đã rơi ngay xuống hạng nhất.
Trong khi “đứa con đẻ” lận đận ở giải hạng dưới (có lúc rơi xuống cả hạng nhì), như để lấp chỗ trống bóng đá Sài Gòn bỗng đón nhận 2 “đứa con nuôi”: Navibank Sài Gòn (chuyển khẩu, đổi tên từ Quân khu 4) và Sài Gòn Xuân Thành (tiền thân là đội Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh và Hòa Phát V&V ngoài Bắc). Nhưng người hâm mộ Sài Gòn coi các cuộc đối đầu giữa họ chỉ là “derby” giả hiệu, chẳng mấy quan tâm và sớm nở tối tàn, những đội này nhanh chóng biến mất “không kèn không trống”.
Rồi đến giữa mùa giải 2016, có lẽ để tránh lời đàm tiếu và bản thân “bầu” Hiển cũng thấy kỳ nên CLB Hà Nội (sân sau của Hà Nội T&T) xin chuyển khẩu vào TP.Hồ Chí Minh và đổi tên thành Sài Gòn. Người hâm mộ thành phố mang tên Bác bỗng dưng có “đứa con” mà không thai nghén, nuôi dưỡng ngày nào. Trong khi đó phải mất đến 8 năm, mùa giải 2017 CLB TP.Hồ Chí Minh mới trở lại V.League. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa 2 “đứa con nuôi - con ruột” này ở 2 mùa vừa qua chưa bao giờ được người Sài Gòn coi là trận “derby” thành phố của mình mà chỉ là trận đấu giữa 2 đội bóng cùng chung sân Thống Nhất. Bằng chứng là ở cuộc đối đầu đầu tiên dù đôi bên PR rất dữ, dùng đủ chiêu trò để lôi kéo CĐV nhưng cũng chỉ có 5 ngàn khán giả, rồi sau đó ở lượt về chỉ còn 2 ngàn và ở lần gặp nhau gần nhất lượt về mùa trước thực sự là lèo tèo, với 1 ngàn người xem lọt thỏm giữa cầu trường có sức chứa 2 vạn người.
Tối ngày 6-4, Sài Gòn và TP.Hồ Chí Minh lại gặp nhau ở mùa giải mới. Liệu với kết quả 2 đội đang bay cao trong tốp 5 sẽ thu hút được người hâm mộ thành phố. Trận “derby” mới của thủ đô giữa Hà Nội và Viettel vừa qua đã có đến 14 ngàn khán giả đến sân. Hàng Đẫy gọi, Thống Nhất có đáp lời?
Trong 4 lần đối đầu ở V.League, “con ruột” TP.Hồ Chí Minh thắng “con nuôi” Sài Gòn đến 3 và chỉ thua 1, dù trong vai chủ nhà hay đội khách.
Đông Kha