Cùng với thành công của các đội tuyển quốc gia, niềm tin của người hâm mộ với BĐVN được khôi phục. Tuy nhiên ở cấp CLB, mới đầu mùa, đã xuất hiện những dấu hiệu khiến người ta giật mình: bóng ma tiêu cực có quay trở lại?
Cùng với thành công của các đội tuyển quốc gia, niềm tin của người hâm mộ với BĐVN được khôi phục. Tuy nhiên ở cấp CLB, mới đầu mùa, đã xuất hiện những dấu hiệu khiến người ta giật mình: bóng ma tiêu cực có quay trở lại?
Hà Nội FC (áo xanh) thất bại trong trận đấu mà chủ nhà chơi lấn lướt trước Yangon. Trong ảnh: Tình huống dẫn đến bàn thua của Hà Nội FC |
Đầu tiên là sai lầm khó hiểu của thủ môn Tấn Trường (trọng tài chưa nổi còi nhưng cho rằng đội nhà được hưởng phạt việt vị, để cho đối phương cướp bóng đưa vào lưới) khiến B.Bình Dương thất bại 1-3 trước Ceres Negoros (Philippines) ở AFC Cup. Tiếp đến là cú sút phạt... vào thẳng lưới nhà của đội trưởng Cần Thơ Nguyễn Văn Quân ở vòng loại Cúp QG (cả 2 cầu thủ này bị CLB và Ban kỷ luật VFF “treo giò” đến hết lượt đi V.League và Giải hạng nhất).
Và mới nhất là trận thua kỳ lạ ngay trên sân nhà của Hà Nội trước Yangon United ở AFC Cup. Nói “kỳ lạ” bởi đối thủ kém hơn toàn diện, khi từng thua chính Nagaworld, đội đã bị Hà Nội hủy diệt tới 10-0; và hàng tá cơ hội, kể cả những tình huống đá ra ngoài khó hơn ghi bàn, thậm chí quả penalty, đều bị các cầu thủ chủ nhà vất bỏ. Một thất bại mà bản thân HLV Chu Đình Nghiêm cũng “không lý giải nổi”. Khẳng định “Tôi luôn tin và không nghi ngờ cầu thủ của mình tiêu cực. Nhưng tôi không hiểu sao hầu hết đều chơi dưới sức... Cứ đến “phần cuối” là dứt điểm thì cầu thủ toàn trượt ngã”, nhưng bản thân ông Nghiêm cũng tiết lộ: “Trước trận, không hiểu sao tôi cứ có điều gì thấy lăn tăn, bất an. Linh tính mách bảo sẽ có chuyện gì đó không hay xảy ra”. Trong đó nhiều CĐV Hà Nội đặt thẳng câu hỏi đội nhà có “làm” không?
Vâng, không ai tin và dám tin Tấn Trường, Văn Quân hay cầu thủ Hà Nội dám làm bừa nhưng như phát biểu của chính một thành viên BHL đội bóng thủ đô: chơi dưới sức, chủ quan, coi thường đối thủ và không tôn trọng khán giả cũng là hành vi phi thể thao. Tại sao đội tuyển VN hay U.23 dưới thời HLV Park Hang-seo cũng có những trận thua nhưng vẫn được người hâm mộ yêu mến vì họ chơi tận hiến đến cùng, không chểnh mảng. Bóng đá đòi hỏi tính cống hiến, fair-play, trung thực, vì vậy nếu không muốn bị nghi ngờ có vấn đề về tư tưởng thì mỗi cầu thủ khi ra sân phải nỗ lực tối đa, đến giây phút cuối.
Dù quả thật chỉ là “sai sót”, “lỗi kỹ thuật” hay “tai nạn” nhưng “một mất mười ngờ”, VFF, VPF và từng CLB phải “coi chừng củi lửa”, diệt từ trong trứng nước. BĐVN đã quá nhiều bài học quá khứ đau xót, đừng để những bóng ma Bacolod, V.Ninh Bình, Đồng Nai... quay trở lại. Nhất là hiện nay các thế lực ngầm luôn tìm cách thao túng sân cỏ, khi ngay những trận đấu ở giải trẻ, tập huấn cũng xuất hiện những cánh tay nối dài của các nhà mạng cá độ hoạt động công khai trên khán đài.
Đông Kha