Sau những thành tích vươn tầm châu lục, có ý kiến cho rằng việc có hay không tấm HCV SEA Games lúc này không còn quá quan trọng mà bóng đá Việt Nam phải hướng ra biển lớn. Đúng SEA Games là danh hiệu ở "ao làng" nhưng đã "60 năm cuộc đời" từ tấm HCV đầu tiên ở kỳ Đại hội đầu tiên (SEAP Games 1959), bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chạm tay lại được.
Sau những thành tích vươn tầm châu lục, có ý kiến cho rằng việc có hay không tấm HCV SEA Games lúc này không còn quá quan trọng mà bóng đá Việt Nam phải hướng ra biển lớn. Đúng SEA Games là danh hiệu ở “ao làng” nhưng đã “60 năm cuộc đời” từ tấm HCV đầu tiên ở kỳ Đại hội đầu tiên (SEAP Games 1959), bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chạm tay lại được. Không chỉ chờ đợi mỏi mòn mà người hâm mộ còn phải nếm trải biết bao thất bại từ cay đắng vì ê chề, đến đau đớn vì “chết trước ngưỡng cửa thiên đường”. Vì vậy, đây là khát khao cháy bỏng để một lần trả nợ tất cả quá khứ.
Một số ý kiến e ngại sự quá tải khi bắt những tuyển thủ quốc gia phải “cày ải” ở sân chơi vốn dành cho lứa U.22. Nhưng thời điểm SEA Games là cuối năm, khi đó tất cả các giải đấu, cả V.League cũng đã tạm dừng. Vì vậy, không lý gì lại không để những cầu thủ tốt nhất vẫn còn đủ điều kiện tham dự kỳ SEA Games cuối cùng được thi đấu. Hơn nữa đây còn là bước đệm quan trọng để hoàn thiện đội hình nếu chúng ta giành quyền góp mặt ở VCK U.23 châu Á vào đầu năm 2020.
Ngoài ra, mục tiêu vô địch SEA Games 30 cũng là khả dĩ, hợp lý và có khả năng hiện thực nhất khi đội tuyển U.22 của Việt Nam năm nay vẫn còn rất nhiều tài năng, hơn hẳn các đối thủ trong khu vực. Nếu chúng ta có đến 8 tuyển thủ quốc gia có thể tham dự SEA Games 30 thì trong danh sách dự AFF Cup 2018 số cầu thủ sinh từ năm 1997 trở lại đây của Thái Lan, Indonesia chỉ là 2, còn của Malaysia và Singapore là 4. Thành phần Thái Lan và Philippines ở Asian Cup 2019 vừa qua thậm chí còn không có bất cứ một cầu thủ nào trong độ tuổi U.22.
Đông Kha