Khó nói rằng Việt Nam đã có một trận thắng hay, đem lại sự mãn nhãn, hài lòng trước một Philippines không có gì quá đặc sắc, ngoài sự vượt trội về thể hình, thể lực và... đá rát. Vẫn có một chút căng cứng tâm lý ở 25 phút đầu trận khiến hầu hết những pha xử lý bước một đều thiếu sự chính xác như thường lệ. Hàng phòng ngự đôi lúc bối rối vì thiếu một thủ lĩnh. 2 tình huống chớp thời cơ quá tuyệt vời nhưng kỹ năng kiểm soát bóng, cầm nhịp vẫn hạn chế.
Khó nói rằng Việt Nam đã có một trận thắng hay, đem lại sự mãn nhãn, hài lòng trước một Philippines không có gì quá đặc sắc, ngoài sự vượt trội về thể hình, thể lực và... đá rát. Vẫn có một chút căng cứng tâm lý ở 25 phút đầu trận khiến hầu hết những pha xử lý bước một đều thiếu sự chính xác như thường lệ. Hàng phòng ngự đôi lúc bối rối vì thiếu một thủ lĩnh. 2 tình huống chớp thời cơ quá tuyệt vời nhưng kỹ năng kiểm soát bóng, cầm nhịp vẫn hạn chế.
Pha ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 của tiền đạo Công Phượng (14) ở phút 86 đã nhấn chìm mọi nỗ lực của các cầu thủ Philippines. |
Tuy nhiên có vấn đề gì! Quan trọng là chúng ta đã vào chung kết, có 2 pha phá lưới rất hay để sân Mỹ Đình và đường phố cả nước nổ tung niềm vui, đặc biệt xóa được cái “dớp” không thể thắng tại Mỹ Đình ở vòng knock-out. Dưới bàn tay nhào nặn của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ được ca ngợi về lối chơi duy mỹ, tấn công đẹp mắt, làm say đắm lòng người, thay vào đó kết quả là trên hết. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng ta có một đội tuyển bản lĩnh, thực dụng và khó lường trong cách chơi như vậy. Một Việt Nam không thể đoán trước. Như một võ sĩ quyền anh lão luyện kinh nghiệm, nếu ở trận lượt đi, dù trên sân khách, nhưng lại ra đòn phủ đầu để có 2 cú knock-out ở đầu mội hiệp; thì lượt về là thu người chịu đựng, bảo vệ lợi thế chiến thắng rồi mới tung những cú đánh quyết định vào cuối trận. 3 sự thay người (Đức Huy, Tiến Linh, Công Phượng) đều phục vụ cho ý đồ đó và đã mang lại thành công mỹ mãn.
***
Năm 1998, trên sân nhà Hàng Đẫy, “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang, Việt Hoàng, Đức Thắng... dưới sự dẫn dắt của HLV người Áo A.Riedl, Việt Nam lần đầu tiên vào chung kết sau khi giã nát Thái Lan 3-0 ở bán kết. Nhưng chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên đã lỡ hẹn một cách đầy tiếc nuối, bởi…cái lưng của trung vệ Sasi Kumar của Singapore.
Phải đợi đến tròn 10 năm sau đó với 5 kỳ giải, AFF Cup 2008 lứa tài năng Minh Phương, Tài Em, Tấn Tài, Vũ Phong, Công Vinh, Thành Lương, Việt Thắng, Quang Hải, Minh Châu, Quang Thanh, Phước Tứ, Như Thành, Việt Cường, thủ môn Dương Hồng Sơn…, cùng tài cầm quân của HLV người Bồ Đào Nha Calisto, mới thực sự là “thế hệ vàng” khi lần thứ 2 vào chung kết và lần đầu mang về cúp vàng trước Thái Lan.
Và bây giờ, cũng đúng sau 10 năm, Việt Nam lần thứ 3 vào chung kết. 20 năm trước, Tiger Cup 1998, những Xuân Trường, Công Phượng, Duy Mạnh, Văn Đức... chỉ mới lên 2, lên 3, thậm chí Quang Hải, Đình Trọng mới thôi nôi, Đoàn Văn Hậu còn chưa ra đời. Còn 1 thập niên trước, khi “chú” Tài Em nâng cao cúp vô địch tại Mỹ Đình, họ mới chập chững những bước đầu tiên ở Học viện HAGL Arsenal JMG và các lò đào tạo trẻ. Tuy nhiên thế hệ hiện tại hơn hẳn các đàn anh, đàn chú khi đã lần đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup U.20, á quân châu Á U.23 và hạng 4 Asiad.
Chu kỳ 10 năm đã lập lại, liệu có khép kín một vòng tròn trọn vẹn? Chỉ 2 nét bút nữa thôi!
Đông Kha