Đánh giá kết quả của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại Asiad 18 là đạt yêu cầu vì đã hoàn thành chỉ tiêu HCV nhưng Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận: "Lẽ ra chúng ta phải làm được hơn thế khi hơn chục VĐV trọng điểm được đầu tư nhắm huy chương thì gần một nửa không đạt yêu cầu mong đợi", thậm chí thất bại thảm hại. Ông tâm sự, thực tế đã nghĩ đến viễn cảnh khó hoàn thành chỉ tiêu.
[links()]Đánh giá kết quả của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại Asiad 18 là đạt yêu cầu vì đã hoàn thành chỉ tiêu HCV nhưng Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận: “Lẽ ra chúng ta phải làm được hơn thế khi hơn chục VĐV trọng điểm được đầu tư nhắm huy chương thì gần một nửa không đạt yêu cầu mong đợi”, thậm chí thất bại thảm hại. Ông tâm sự, thực tế đã nghĩ đến viễn cảnh khó hoàn thành chỉ tiêu.
Phương pháp huấn luyện 1 thầy kèm 1 trò cần phải xem xét lại. Trong ảnh: Thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên. |
Chia sẻ và cảm thông với các VĐV bởi họ đã nỗ lực hết mình, cũng như không đổ lỗi cho bất cứ cá nhân nào sau mỗi thất bại, nhưng nguyên nhân dẫn đến thất bại cần được ngành thể thao, mỗi bộ môn chỉ rõ, mổ xẻ thẳng thắn và kỹ lưỡng nhằm rút ra bài học cho tương lai, để TTVN không thấp thỏm, lo lắng ở mỗi kỳ Asiad, Olympic.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là việc đầu tư trọng điểm liệu đã trúng trọng tâm và hiệu quả? Được biết, 60 VĐV trong danh sách đầu tư trọng điểm được nhận hỗ trợ một lần 50 triệu đồng, cộng 800 ngàn đồng tiền công tập luyện và tiền ăn mỗi ngày. Còn nhóm khoảng 10 VĐV trọng điểm loại 1, trung bình kinh phí tập huấn mỗi năm từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng, tùy đặc thù từng môn, địa điểm tập huấn. Tất nhiên, mức đầu tư như vậy so với các quốc gia khác, ngay cả các nước ở Đông Nam Á còn hạn chế rất nhiều, nhưng là rất cao so với mặt bằng TTVN. Thế nhưng, trong nhóm đỉnh cao này chỉ có Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh) và Nguyễn Văn Trí (pencak silat) giành HCV, còn tất cả đều thất bại, thậm chí thành tích sa sút nghiêm trọng.
Rõ ràng tiền không phải là tất cả, cần phải nhìn thẳng sự thật là thất bại bắt nguồn từ việc chuẩn bị, đánh giá chưa chính xác năng lực của VĐV, dự báo đối thủ của những người làm chuyên môn. Bên cạnh đó, quá trình tập huấn còn những bất cập dẫn đến ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu (“nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh 6 tháng tập huấn tại Mỹ thay đến 3 HLV). Quy trình huấn luyện cũng cần phải xem xét lại để có điều chỉnh phù hợp. Phương pháp huấn luyện 1 thầy kèm 1 trò (như HLV Huỳnh Hữu Chí với Thạch Kim Tuấn, HLV Đặng Anh Tuấn với Ánh Viên…) có những ưu điểm nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào HLV, dần dần sẽ đi vào lối mòn khi HLV đã hết “bài vở” khiến VĐV khó đột phá về thành tích.
Như đã đề cập trong bài trước, một nguyên nhân luôn được các HLV, VĐV lý giải cho thất bại là áp lực tâm lý, nhưng việc chuẩn bị tâm lý cho VĐV đến nay ngành thể thao vẫn chỉ biết phó mặc cho HLV (nên mới có chuyện Ánh Viên bị trầm cảm và “cứng hết người” khi thi đấu).
Cuối cùng, TTVN chưa thể tạo ra bước đột phá ở đấu trường Asiad, Olympic là do thiếu chiến lược phát triển, đầu tư theo cảm tính thành tích. Khả năng sàng lọc, đánh giá nhằm tìm những viên ngọc thô, tạo lực lượng kế cận yếu kém. Trường hợp không hề được đầu tư tập huấn nước ngoài nhưng lại thành công bất ngờ của Nguyễn Huy Hoàng (giành HCB Asiad đầu tiên cho bơi Việt Nam) là ví dụ.
Tóm lại, trong bối cảnh nguồn lực tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc y tế, dinh dưỡng của TTVN còn nhiều hạn chế, cần phải có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện trong công tác đầu tư cho các môn, các VĐV trọng điểm. Trước mắt cần xem xét điều chỉnh, sàng lọc và phân loại lại toàn bộ để chọn lọc. Như trường hợp Hoàng Xuân Vinh, rõ ràng tấm HCV và HCB Olympic Rio 2 năm trước đã là tới đỉnh, đến lúc thôi không nên tiếp tục đặt lên vai một xạ thủ 44 tuổi gánh nặng “hy vọng vàng” hết đại hội này đến đại hội khác.
Đông Kha