Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà vô địch đúng kiểu… World Cup 2018

09:07, 16/07/2018

Không đẹp mắt nhưng đầy hiệu quả. Đó là cách Pháp lần thứ 2 trở thành "bá chủ võ lâm" hoàn cầu sau đúng 20 năm. Một tuyển Pháp rất… Didier Deschamps!

Không đẹp mắt nhưng đầy hiệu quả. Đó là cách Pháp lần thứ 2 trở thành “bá chủ võ lâm” hoàn cầu sau đúng 20 năm. Một tuyển Pháp rất… Didier Deschamps!

Pháp giành chức vô địch xứng đáng.
Pháp giành chức vô địch xứng đáng.

Học từ nỗi đau thất bại 0-1 trước đối thủ “cửa dưới” Bồ Đào Nha ngay trên sân nhà ở trận chung kết EURO 2 năm trước, Les Bleus tại World Cup 2018 khác hẳn hình ảnh quen thuộc trong quá khứ. Tại Nga không còn là một đội bóng chủ quan và kiêu ngạo, thay vào đó là sự cẩn trọng trước mọi đối thủ, kể cả yếu hơn mình nhiều. Pháp có thể chủ động để đối phương cầm bóng nhưng sẽ chớp thời cơ rất nhanh khi đoạt lại được bằng tốc độ của những cầu thủ tấn công (điển hình là Mbappe) và nhãn quan cực nhạy của hàng tiền vệ.

Không thể phủ nhận Pháp là một tập thể với những cái tên rất tài năng nhưng công thức chính làm nên thành công là thứ bóng đá thực dụng, sản phẩm của Didier Deschamps, một HLV vốn là ngôi sao tiền vệ phòng ngự, giỏi “đọc” tình huống và có tư duy chơi bóng đặt sự an toàn lên hàng đầu. Cựu thủ quân tuyển Pháp có lối đá cần mẫn và nổi tiếng biết cách gây ức chế tâm lý, ông không bao giờ đá thô bạo nhưng trong vai trò đánh chặn sẵn sàng chơi tiểu xảo hoặc phạm lỗi chiến thuật để ngăn cản một đợt tấn công nguy hiểm của đối phương. Triết lý lối chơi của Deschamps còn hình thành bởi nhiều năm chơi bóng ở Italy trong màu áo Juventus và chịu ảnh hưởng lớn từ HLV “cáo già” Lippi. Giờ đây với tư cách HLV, Deschamps mang chính phong cách cùng kinh nghiệm ấy vào tuyển Pháp.

Và người ta thấy một tuyển Pháp mang chất Italy: thực dụng, phòng ngự thép, đơn giản hóa lối chơi và tận dụng mọi sai lầm của đối phương, làm tất cả để giành chiến thắng, đặt tính hiệu quả lên hàng đầu. Ở nhà tân vô địch, tất cả các cầu thủ phải cùng nhau chia sẻ nhiệm vụ để tạo nên sức mạnh tập thể. Tiền đạo là chốt chặn đầu tiên và cũng phải lùi sâu về tận cấm địa đội nhà để tham gia phòng ngự, còn hậu vệ sẵn sàng xông lên ghi bàn (3 hậu vệ đã lập công). Đặc biệt, khi Pháp đã dẫn bàn thì họ càng đá thực dụng. Trước Uruguay và Bỉ ở tứ kết và bán kết người ta đã thấy “Gà trống” chơi như thế nào. Một mặt họ lùi về giảm nhịp độ, cố gắng cầm bóng nhiều hơn, mặt khác không ngần ngại phạm lỗi chiến thuật, sẵn sàng dùng cả tiểu xảo để kéo dài thời gian. Ai đó cho đấy là hình ảnh “xấu xí” nhưng chân lý thuộc về người chiến thắng sau cùng. Những thông số kỹ thuật ở trận chung kết nói lên rất rõ cách chơi của nhà vô địch: Pháp kiểm soát bóng chỉ bằng 2/3 Croatia (39%/61%), dứt điểm ít hơn phân nửa (8/15), phạt góc cũng chỉ bằng 1/3 (2/6) nhưng…thắng 4-2.

Ở một kỳ World Cup mà tất cả những “ông lớn”, ngôi sao đều lần lượt sớm rơi rụng, dường như ngai vàng đã được “đo ni” cho Pháp.

Đông Kha

Tin xem nhiều