4 năm trước tại VCK ở Australia, Iran từng vào tứ kết còn mục tiêu lần này là cân bằng kỷ lục 4 lần vô địch của Nhật Bản.
Iran: Cùng với Hàn Quốc, Iran là quốc gia dự VCK Asian Cup nhiều nhất trong lịch sử (14 lần) với 3 chức vô địch. 4 năm qua dưới sự dẫn dắt của HLV người Bồ Đào Nha Carlos Queirz (trợ lý 1 của HLV Ferguson ở M.U), Iran liên tục là đội bóng số 1 châu Á (hiện hạng 36 thế giới), là đại diện châu Á đầu tiên giành vé dự VCK World Cup 2018 với thành tích bất bại. Trong đó, tiền đạo Azmoun ghi đến 11 bàn thắng. Ngoài chân sút số 1 đang chơi bóng ở Nga này (CLB Rubin Kazan), Iran còn có Ansarifard (Olympiakos, Hy Lạp), Ghoochannejhad (Heerenveen, Hà Lan)...
4 năm trước tại VCK ở Australia, Iran từng vào tứ kết còn mục tiêu lần này là cân bằng kỷ lục 4 lần vô địch của Nhật Bản.
Iraq: Là nhà vô địch năm 2007 và đương kim hạng 4 Asian Cup, nhưng đã không còn “sói già” Younis Mahmoud. Iraq có rất nhiều cầu thủ đang thi đấu ở khắp nơi trên thế giới (nên cũng chưa chắc sẽ triệu tập được đầy đủ lực lượng mạnh nhất), nổi bật là Adnan - cầu thủ được mệnh danh Gareth Bale châu Á đang đầu quân cho Udinese (Ý). Ngoài ra phải kể đến Ayman, chân sút đã ghi 16 bàn sau 20 trận cho ĐT U.23 Iraq là tác giả cú đúp vào lưới U.23 Việt Nam ở VCK U.23 châu Á vừa qua.
Yemen: Đây mới là lần đầu tiên trong lịch sử Yemen có mặt ở VCK Asian Cup sau khi phải đá play-off tranh vé vớt dự vòng loại cuối cùng với Maldives (thắng 4-0). Đáng chú ý, ở vòng loại Yemen có đến 2 lần cùng bảng với Philippines và chỉ tìm được 1 chiến thắng cùng 1 trận hòa còn nhận 2 thất bại. Trên bảng xếp hạng FIFA hiện Yemen (hạng 125), kém Việt Nam đến 22 bậc.
Trong 3 đối thủ này, ở cấp độ đội tuyển quốc gia Việt Nam mới chỉ đối đầu Iraq (thua 2 hòa 1 trong 10 năm qua) mà chưa từng gặp Iran và Yemen. Với việc 4/6 đội thứ 3 bảng có thành tích tốt nhất đi tiếp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng giành vé vào vòng 1/8 nếu tìm được 1 điểm trước 2 đội mạnh Iran, Iraq và vượt qua đối thủ yếu nhất bảng Yemen ở trận cuối quyết định.
Trung Dũng