Kỳ tích điền kinh. Với con số kỷ lục 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ (cùng 2 kỷ lục) tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đã làm cuộc lật đổ ngoạn mục trước Thái Lan (hơn gần gấp đôi số HCV) để lần đầu tiên trong lịch sử lên ngôi "bá chủ" Đông Nam Á.
1. Kỳ tích điền kinh. Với con số kỷ lục 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ (cùng 2 kỷ lục) tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đã làm cuộc lật đổ ngoạn mục trước Thái Lan (hơn gần gấp đôi số HCV) để lần đầu tiên trong lịch sử lên ngôi “bá chủ” Đông Nam Á. Cùng với điền kinh và bơi lội (10 HCV), các môn Olympic đã mang về tới 86% số HC tại SEA Games 2017.
Tại SEA Games 29, đội tiếp sức nữ Việt Nam đánh bại nhà ĐKVĐ Thái Lan để lần đầu tiên lên ngôi vô địch nội dung 4x100m. |
2. HCV bóng bàn đồng đội nam tại SEA Games. Suốt từ năm 2003, với chính sách nhập tịch các cây vợt từ cường quốc bóng bàn Trung Quốc, Singapore luôn độc chiếm nội dung quan trọng này tại đấu trường SEA Games, nhưng ở Malaysia Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú và Đoàn Bá Tuấn Anh đã làm nên cuộc lật đổ.
3. Lê Văn Công sưu tầm đủ bộ vô địch. Với chức vô địch thế giới cùng kỷ lục thế giới tại Mexico vào tháng 11 vừa qua, lực sĩ cử tạ khuyết tật 33 tuổi đã giành đủ bộ HCV từ Đông Nam Á, châu Á, Olympic đến thế giới.
4. Thạch Kim Tuấn đoạt 3 HCV thế giới ở hạng cân 56 kg ở Giải cử tạ vô địch thế giới diễn ra tại Mỹ.
5. Thành công bóng đá. U.20 Việt Nam là đội đầu tiên của Đông Nam Á giành được điểm ở World Cup U.20, tiếp đó có đến 6 đội tuyển đoạt vé tham dự VCK châu Á (U.16, U.19, U.23, đội tuyển quốc gia nam, nữ và futsal nam). Kết thúc năm 2017, đội tuyển Việt Nam ở vị trí số 1 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA (thứ 17 châu Á và hạng 112 thế giới).
6. Thất bại U.22 Việt Nam. Đáng tiếc tất cả những thành tích trên đã bị che mờ bởi trận thua tủi hổ 0-3 trước U.22 Thái Lan tại SEA Games 29. Sau 22 năm kể từ Chiang Mai 1995, đây mới là lần thứ 3 bóng đá nam bị loại ngay từ vòng bảng. Thất bại này kéo theo hàng loạt hệ lụy: HLV Hữu Thắng từ chức nhường chỗ cho ông thầy Hàn Quốc Park Hang-seo và VFF bị chỉ trích dữ dội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải vào cuộc.
7. Thất bại của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh. Ở 2 nội dung sở trường từng giành HCV, HCB và phá kỷ lục Olympic 10m và 50m súng ngắn hơi tại Rio 2016, xạ thủ số 1 Việt Nam chỉ có 1 HCB ở SEA Games 2017, gây thất vọng lớn.
8. Quảng Nam lần đầu đăng quang V.League và cuộc đua đến ngôi vô địch chưa bao giờ căng thẳng, nóng bóng và bỏ ngỏ đến phút chót cho 3 ứng cử viên.
9. Khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại nhất châu Á. Cơ ngơi mới của Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) đặt tại tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích gần 22hécta, được xây dựng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ vậy, PVF còn mời 2 danh thủ Man Utd Ryan Giggs làm giám đốc và Paul Scholes làm cố vấn kỹ thuật.
10. Đồng Nai tự xóa tên trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp. Sau khi về thứ 4 ở Giải hạng nhất 2016, đội bóng Đồng Nai chính thức giải thể vì lý do kinh phí. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi đất nước thống nhất, thành lập tỉnh, Đồng Nai không có đội đại biểu ở các giải cao nhất của quốc gia.
Nhóm P.V thể thao