Việc cạnh tranh đến ngôi vô địch đến lúc này vẫn bỏ ngỏ cho tới cả 7 vị trí nửa trên bảng xếp hạng. Điều này mang đến sự hấp dẫn, nhưng cũng đồng thời nói lên một thực tế V.League mùa này không có đội nào chứng tỏ sức mạnh vượt trội, xứng mặt quân vương dù giải chỉ còn 6 vòng đấu.
Việc cạnh tranh đến ngôi vô địch đến lúc này vẫn bỏ ngỏ cho tới cả 7 vị trí nửa trên bảng xếp hạng. Điều này mang đến sự hấp dẫn, nhưng cũng đồng thời nói lên một thực tế V.League mùa này không có đội nào chứng tỏ sức mạnh vượt trội, xứng mặt quân vương dù giải chỉ còn 6 vòng đấu.
Trận đấu giữa Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa ở V.League 2017. |
Nói thế các CĐV xứ Thanh có thể “tự ái” phản đối, còn ai xứng đáng hơn đội bóng của họ khi là nhà vô địch lượt đi, dẫn đầu ngay từ vạch xuất phát cho đến 9 vòng liên tiếp đầu tiên và đã có tới 17/20 vòng ngự trên đỉnh cao? Tuy nhiên, trong thâm tâm chính các CĐV Thanh Hóa hẳn cũng phải thừa nhận, niềm tin của họ đặt vào thầy trò HLV Petrovic giờ đây đã không còn nguyên vẹn như giai đoạn đầu mùa.
Tất cả bắt đầu từ quãng “ngủ đông” quá dài đến 2 tháng 1 tuần. Ngay trận đầu tiên khi V.League trở lại, vòng 17 FLC Thanh Hóa đã nhận trận thua “sốc” 0-2 trước Sài Gòn. Từ thất bại thứ 2 kể từ đầu mùa ấy, 4 trận liên tiếp gần đây xứ Thanh chỉ một lần duy nhất biết mùi chiến thắng trước đội áp chót Cần Thơ, nhưng nhận số bàn thua (8 bàn) còn nhiều hơn cả 11 trận đầu tiên, không còn là hàng thủ vững chắc nhất (hiện cùng bị thủng lưới 21 lần như Hà Nội), đồng thời mất danh hiệu bất bại trên sân nhà về tay Quảng Nam (bởi trận thua 2-3 trước chính đối thủ này). Ám ảnh đuối sức trong chặng đua nước rút các mùa trước lại hiện về, bất chấp tài cầm quân của “phù thủy” Petrovic. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như việc sứt mẻ, thiếu chiều sâu đội hình, nhưng cái chính là FLC Thanh Hóa thiếu bản lĩnh, cái “chất” của nhà vô địch.
Đó là điều mà đối thủ chính của họ: Hà Nội, có thừa. Với tư cách là nhà đương kim vô địch và đội duy nhất, sau Thanh Hóa, từng chiếm lĩnh ngôi đầu (3 vòng), đồng thời hiện đang bám sát ngay sau với chỉ 2 điểm kém hơn, đương nhiên đội bóng thủ đô là ứng cử viên nặng ký thứ nhì. Tuy nhiên so với chính mình những mùa trước, Hà Nội rất sa sút và kém thuyết phục về cả thành tích lẫn lối chơi. Nếu lớp cầu thủ trẻ như Duy Mạnh, Hùng Dũng, Quang Hải, Văn Kiên, Văn Hậu... có bước trưởng thành, tiến bộ lớn, thì một loạt ngôi sao trụ cột: Thành Lương, Hoàng Vũ Samson, Moses... đều đánh mất phong độ. Việc thủ quân Gonzalo chấn thương dài hạn, mất cả mùa bóng cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội không còn giữ được diện mạo.
Với Quảng Nam, Sài Gòn, S.Khánh Hòa chỉ là hiện tượng nhất thời, nổi lên nhờ sự sa sút của hàng loạt tên tuổi lớn: Hải Phòng, Than QN, SHB.ĐN, B.Bình Dương. Điểm chung ở các “ngựa ô” này là sức mạnh tập thể, thi đấu đầy tập trung, quyết tâm và thành công dựa trên lối chơi phòng ngự phản công, nhưng thiếu những ngôi sao lớn và khi đối phương cũng đá phòng ngự phản công thì... hết vốn. Quan trọng hơn, họ không mang trong mình dòng máu quân vương, không đủ tầm chinh phục đỉnh cao mà chỉ có thể đóng vai kẻ phá bĩnh trong vài vòng đấu.
Dù sao sân khấu V.League 2017 cũng vẫn còn đoạn kết về nhân vật chính để chờ đợi, không như vai “phản diện” phải nhận cái “chết” (xuống hạng) đã được báo trước quá sớm.
Đông Kha