Asiad 18 được Indonesia đăng cai (thay Việt Nam xin trả lại) diễn ra từ ngày 18-8 đến 2-9-2018 tại 2 thành phố Jakarta và Palembang với 38 môn thi đấu.
Asiad 18 được Indonesia đăng cai (thay Việt Nam xin trả lại) diễn ra từ ngày 18-8 đến 2-9-2018 tại 2 thành phố Jakarta và Palembang với 38 môn thi đấu.
Dương Thúy Vi đoạt HCV ở ASIAD 17 cho đoàn Việt Nam |
Chính thức trở lại đấu trường Á vận hội từ năm 1982 tại New Delhi (Ấn Độ), nhưng chỉ từ Bắc Kinh 1990 trở đi thể thao Việt Nam mới tham dự đều đặn, liên tục. Trải qua 8 kỳ Asian Games trong 32 năm qua, VĐV Việt Nam chỉ mới 11 lần vinh dự bước lên bục huy chương cao nhất. Con số này đúng bằng số HCV của Ấn Độ và CHDCND Triều Tiên giành được tại Asiad 17.
Tại Asiad 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử giành HCV Asiad (hạng cân 58kg). 4 năm sau ở Asiad 13-1998 ở Bangkok (Thái Lan), Hồ Nhất Thống xuất sắc tiếp tục bảo vệ tấm HCV của taekwondo. Asiad 14-2002 tại Busan (Hàn Quốc) thực sự đánh dấu bước tiến vượt bậc, khi đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành được tới 4 HCV: Trần Đình Hòa - bida; Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc - karate và Lý Đức - thể hình. Đến Asian Games XV-2006 tại Doha (Qatar), cầu mây (đồng đội và đôi nữ) cùng karatedo (Vũ Thị Nguyệt Ánh) mang về 3 HCV.
Tuy nhiên 2 kỳ Asian Games gần đây đều thất bại, tụt dốc. Ở Quảng Châu 2010 dù giành tới 17 HCB, 15 HCĐ, nhưng đoàn thể thao Việt Nam phải trải qua “cơn khát vàng” cho đến tận phút chót. Chỉ nhờ cứu tinh, võ sĩ trẻ karatedo Lê Bích Phương, thể thao Việt Nam mới thoát khỏi một kỳ Asiad “trắng vàng”.
4 năm trước tại Incheon (Hàn Quốc), dù tham dự với con số kỷ lục 247 VĐV tranh tài đến 29 môn và đặt mục tiêu giành 3 HCV, nhưng đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ có một ngôi vô địch duy nhất của nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi (VĐV vừa giành 2 HCV trong đó có chiếc HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 29). Năm tới ở Jakarta - Palembang thì sao?
Trung Dũng