Trong 58 HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại Malaysia, nữ chiếm đến hơn 62% (36 HCV), trong đó bơi lội một mình Nguyễn Thị Ánh Viên gánh đúng 80% ngôi vô địch, điền kinh nữ cũng áp đảo với tỷ lệ 76,47% (13/17 HCV).
Trong 58 HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại Malaysia, nữ chiếm đến hơn 62% (36 HCV), trong đó bơi lội một mình Nguyễn Thị Ánh Viên gánh đúng 80% ngôi vô địch, điền kinh nữ cũng áp đảo với tỷ lệ 76,47% (13/17 HCV).
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vui mừng với chiếc huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 29. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
Đặc biệt trong 6 môn tưởng là thế mạnh của nam giới là: bóng đá, xe đạp, bi sắt và 3 môn võ taekwondo, judo, wushu, ngôi quán quân đều thuộc về các cô gái, cứu cho các đội tuyển này khỏi một kỳ SEA Games thất bại “trắng vàng”. Trong đó xuất sắc lập “cú đúp” HCV là tay đua xe đạp Nguyễn Thị Thật (đua vòng tròn và 104km xuất phát đồng hàng nữ, 2 năm trước trên đường đua Singapore, cô gái miền Tây An Giang này cũng là cua rơ mang về HCV duy nhất cho xe đạp) và võ sĩ wushu Dương Thúy Vi (kiếm thuật và thương thuật), đồng thời cũng là người “mở hàng”, giải tỏa “cơn khát vàng” cho đoàn thể thao Việt Nam. Đặc biệt với chiếc HCV thứ 5 trong 8 kỳ SEA Games góp mặt, bóng đã nữ không chỉ vươn lên sánh ngang kỷ lục với người Thái (10 lần tham dự) mà còn “rửa mặt” cho các đồng nghiệp nam, giúp người hâm mộ cả nước nguôi ngoai phần nào nỗi buồn thất vọng. Phần thưởng hơn 4 tỷ đồng cho Kiều Trinh, Tuyết Dung, Huỳnh Như, Nguyễn Thị Xuyến... xem ra chưa xứng đáng.
Chính vì vậy, dễ hiểu trong tốp 5 gương mặt VĐV Việt Nam xuất sắc nhất tại Malaysia, nữ chiếm áp đảo với 4 vị trí: kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên; “nữ hoàng tốc độ” Đông Nam Á mới Lê Tú Chinh; nhà vô địch, bảo vệ cú “hat-trick” vàng 400m, 400m rào và 4x100m Nguyễn Thị Huyền và HCV 1.500m, 5.000m nữ Nguyễn Thị Oanh. Đấng mày râu duy nhất có thể chen chân giữa “rừng hoa” này là cậu bé 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn, hoặc chàng trai 3 HCV TDDC Lê Thanh Tùng. Ngoài ra tấm HCV kiếm 3 cạnh của bà mẹ 2 con Trần Thị Như Hoa ở kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp hay “cánh hoa nở muộn” Trần Thị Yến Hoa giành HCV đầu đời ở nội dung 100m rào nữ ở tuổi 27 (chiếc HCV sau 22 năm kể từ khi Vũ Bích Hường đăng quang tại SEA Games 1995), cho thấy những nỗ lực bền bỉ, phi thường của nữ giới Việt Nam.
Ở đấu trường cao hơn, Asian Games, trong số 11 HCV đến nay của thể thao Việt Nam cũng có đến 7 chiếc thuộc về chị em. Xem ra phương châm “lấy nữ làm chủ công” vẫn nguyên giá trị với thể thao Việt Nam.
Tự hào và cảm ơn các nữ VĐV!
Dương Cầm