Giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, dù kém kỳ ASEAN Para Games 2 năm trước 8 HCV nhưng đây là thành tích ấn tượng từ nỗ lực vượt khó của các VĐV đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam...
* Sẵn sàng hướng đến Asian Para Games 2018
Giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, dù kém kỳ ASEAN Para Games 2 năm trước 8 HCV nhưng đây là thành tích ấn tượng từ nỗ lực vượt khó của các VĐV đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, Bởi cũng như ở SEA Games 29 trước đó, nước chủ nhà Malaysia đã cắt rất nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, nhất là trong môn bơi hầu hết các cự ly Paralympic sở trường đều không được tổ chức. Thế nhưng các kình ngư Việt Nam vẫn giành tới 15 HCV (so với 19 HCV trên đường đua xanh Singapore), đứng thứ nhì chỉ sau Indonesia và bỏ xa chủ nhà Malaysia (chỉ có 9 HCV).
“Kình ngư” Vi Thị Hằng (giữa) đã xuất sắc phá kỷ lục Para Games ở nội dung bơi 100m tự do nữ. |
Đáng chú ý, trong số 40 HCV có đến 36 chiếc thuộc về 3 môn Paralympic quan trọng là: điền kinh: 17 HCV, bơi lội: 15, cử tạ: 4 (4 chiếc còn lại của các nữ kỳ thủ cờ vua), cho thấy sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm đã có hiệu quả để hướng đến đấu trường châu lục và thế giới. Đặc biệt, các VĐV khuyết tật Việt Nam còn 11 lần xô ngã các kỷ lục ASEAN Para Games (6 kỷ lục bơi, 4 kỷ lục cử tạ và 1 điền kinh), trong đó hầu hết là của chính mình.
Từ bàn đạp ASEAN Para Games 2017, thể thao người khuyết tật Việt Nam tự tin hướng đến ASIAN Para Games 2018 tại Indonesia. Tại kỳ Á vận giành cho người khuyết tật ở Incheon (Hàn Quốc) 2014, các VĐV Việt Nam đã làm nên kỳ tích đoạt 9 HCV (kình ngư Võ Thành Tùng giành 5 HCV), 7 HCB và 13 HCĐ, lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tốp 10 châu lục, đồng thời lập 1 kỷ lục thế giới (VĐV cử tạ Lê Văn Công) và 2 kỷ lục châu Á. Bảo vệ thành tích ấy là một thách thức vô cùng to lớn nhưng chúng ta đã sẵn sàng.
* Đàng sau những tấm huy chương
Với thể thao người khuyết tật, ý nghĩa thành công không chỉ đơn thuần mang giá trị thành tích mà sau mỗi tấm huy chương là một câu chuyện đầy nhân văn, những tấm gương nghị lực vượt lên số phận kém may mắn để kết nối, hòa nhập với cộng đồng và gieo thêm niềm tin vào cuộc sống. Để là kỷ lục gia châu Á và trở thành nhà vô địch ASEAN lẫn ASIAN Para Games hạng cân 54kg nam, lực sĩ Nguyễn Bình An tuy chỉ nặng khoảng 53kg nhưng mỗi ngày phải nâng tổng cộng gần 6 tấn tạ, mỗi lần hơn 180kg. Nếu không có đam mê và ý chí kiên định, không ai có thể làm được điều đó.
Ít ai biết kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa, người đã tham dự 6 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp và năm nào cũng đoạt 3-4 HCV, đang giữ đến 6 kỷ lục Đông Nam Á, vô địch châu Á cự ly 100m tự do và 100m bướm ở hạng thương tật S9, vậy mà năm lên 6 tuổi đã mắc ung thư cột sống và bác sĩ đã nói gia đình chuẩn bị hậu sự, thế nhưng với đôi chân tật nguyền, anh đã chiến thắng. Đó là một câu chuyện phi thường.
Ở Malaysia các đồng đội đều đồng cảm, chia sẻ với những giọt nước mắt của tay bơi lớn tuổi nhất, đồng thời cũng có hạng thương tật nặng nhất (SB3, vẹo cột sống, một chân bị liệt) Hà Văn Hiệp khi nhận HCV (50m ếch nam). Bởi đây là chiếc HCV ASEAN Para Games đầu tiên của anh ở tuổi 35 sau suốt 10 năm khổ luyện và 4 kỳ tham dự.
Hay câu chuyện về đôi vợ chồng VĐV điền kinh Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải đeo đuổi sự nghiệp và quyết chí đạt thành tích không chỉ vì đam mê mà còn để mưu sinh, lo toan cho cuộc sống. Cả gia đình với 2 con nhỏ mới 3 và 2 tuổi của họ trông chờ hết vào số tiền thưởng từ những tấm huy chương, do đó phải chắt bóp, dành dụm để trang trải trong suốt cả năm khi không có giải đấu. 3 HCV ném đĩa và ném lao tại ASEAN Para Games 9 của 2 vợ chồng là quà tặng mừng sinh nhật cho cậu con trai sắp tròn 2 tuổi.
Thùy Dung