Tại đảo quốc Sư tử biển 2 năm trước, 3 ngày thi đấu trước lễ khai mạc đoàn thể thao Việt Nam đã kịp giành 5 HCV (1 bắn cung và 4 đấu kiếm), nhưng ở Malaysia 2017 chỉ có 3 HCB (2 bắn cung, 1 marathon nữ) và 1 HCĐ (bắn cung).
Tại đảo quốc Sư tử biển 2 năm trước, 3 ngày thi đấu trước lễ khai mạc đoàn thể thao Việt Nam đã kịp giành 5 HCV (1 bắn cung và 4 đấu kiếm), nhưng ở Malaysia 2017 chỉ có 3 HCB (2 bắn cung, 1 marathon nữ) và 1 HCĐ (bắn cung).
Như SEA Games 2013, Dương Thúy Vi lại mở hàng HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Ảnh Trường Xuyên. |
Trong các môn sớm tranh tài chỉ có bóng đá nam và nữ 11 người là khởi đầu suôn sẻ; futsal nam, nữ thất bại kép trước Thái Lan, sớm tan vỡ tham vọng vàng ngay trận đầu; marathon nữ Hoàng Thị Thanh đổi màu được tấm HC từ đồng sang bạc nhưng thành tích thấp hơn chính mình (có thể giành HCV) vì lý do “khó ở”, nam trắng tay vì hụt hơi do sai lầm chiến thuật... Nhưng thất vọng nhất là bắn cung. Niềm hy vọng số 1, nhà vô địch cung 3 dây cá nhân 2 kỳ SEA Games liên tiếp, Nguyễn Tiến Cương, thất bại hoàn toàn ở nội dung sở trường, chỉ giành HCĐ an ủi ở nội dung hỗn hợp nam, nữ (với Châu Kiều Oanh). Càng nóng ruột khi con số HCV trên bảng tổng sắp HC của Malaysia, Singapore, Indonesia cứ nhảy liên tục. Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận ông đã mất ăn mất ngủ.
Tuy nhiên “tiền hung hậu kiết”, ngay sau lễ khai mạc, trong sáng ngày thi đấu chính thức đầu tiên 20-8, “cơn khát vàng” đã được giải tỏa. Nếu bắn cung không làm được như SEA Games 2015 thì lịch sử SEA Games 4 năm trước ở Myanmar đã lập lại: wushu mang về HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam, không phải một mà “cú đúp”. Chiến công của 2 cô gái Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương Giang ở nội dung taolu kiếm thuật và côn thuật (biểu diễn, vốn dễ nhận định cảm tính) càng thuyết phục khi buộc các trọng tài phải chấm hơn đối thủ chủ nhà Malaysia 0,04 và 0,01 điểm.
Như được khích lệ và để bù cho thất bại của đồng đội cung 3 dây, buổi chiều Chu Đức Anh mang về chiếc HCV thứ 3 cung một dây cá nhân nam (nội dung không phải sở trường của bắn cung), sau khi cũng thắng VĐV chủ nhà Khairul 6-2. Và khép lại ngày thi đấu 20-8, đội tuyển thể dục dụng cụ đã mang về tấm HCV thứ tư ở nội dung đồng đội nam.
Ngày 21-8, ngày thi đấu chính thức thứ 2, bơi lội với “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên mới xuất trận với chỉ tiêu giành 10-12 HCV (2 năm trước mang về 10 HCV, trong đó riêng Ánh Viên sở hữu 8 chiếc). Lần lượt sau đó là các “mỏ vàng”: điền kinh (SEA Games 28 giành 11 HCV), TDDC (9 HCV), đấu kiếm (8 HCV), bắn súng (4 HCV) và các môn võ... đồng loạt bước vào thi đấu.
Những ngày vàng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 còn ở phía trước.
Trần Đỗ