Tại cuộc họp báo ngay sau trận đấu, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã nhận hết trách nhiệm về mình trong thất bại nặng nề của U.22 Việt Nam (chỉ tiêu vào chung kết nhưng bị loại ngay từ vòng bảng) và tuyên bố xin từ chức.
Tại cuộc họp báo ngay sau trận đấu, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã nhận hết trách nhiệm về mình trong thất bại nặng nề của U.22 Việt Nam (chỉ tiêu vào chung kết nhưng bị loại ngay từ vòng bảng) và tuyên bố xin từ chức. Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định ngay sau khi công tác nước ngoài trở về sẽ giữ đúng lời hứa gửi đơn xin từ chức Phó chủ tịch VFF vì “U.22 Việt Nam không giành vàng lúc này thì lúc nào”.
HLV Hữu Thắng (áo trắng) xin lỗi người hâm mộ và từ chức sau thất bại 0-3 của U.22 Việt Nam. |
Thân làm “tướng” phải chịu trách nhiệm đầu tiên, huống hồ nhà cầm quân nội 46 tuổi chắc cũng đã nhận ra giới hạn năng lực của mình. Ngoài những sai lầm, hạn chế trong việc bố trí đội hình, sử dụng con người cụ thể, dường như HLV Hữu Thắng đã tính toán sai điểm rơi phong độ khi có vẻ nó đã “rơi” mất rồi ở vòng loại U.23 châu Á 1 tháng trước đó. Không phải đến khi gặp Thái Lan, Indonesia mà từ trận thắng 4-0 trước Philippines người ta đã thấy các học trò của ông xuống sức rất nhanh. Lối chơi của U.22 Việt Nam dễ “bắt nạt” các đội yếu, nhưng như Giám đốc bóng đá Thái Lan 11 tên chỉ ra là luôn lặp lại, đều đều, công thức, không có nhiều phương án tấn công nên rất dễ “bắt bài”, đối phương chỉ cần đá áp sát, không cho khoảng trống. Vị HLV xứ Nghệ cũng tỏ ra khá bảo thủ, tự ái như việc nhất quyết không nhờ đến sự giúp đỡ của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede, một chuyên gia giỏi phân tích đối thủ và “đọc” trận đấu (đây cũng chính là hạn chế lớn nhất của Hữu Thắng) mà chỉ dùng ông để theo dõi các đối thủ ở bảng A (giờ thì để làm gì?). Bài học mất tiền vệ đánh chặn Hoàng Thịnh ở AFF Cup 1 năm trước khiến đội tuyển quốc gia Việt Nam bị Indonesia loại ở bán kết hẳn còn nóng hổi với HLV Hữu Thắng. Nhưng tại SEA Games 29 lại lặp lại với U.22 khi Duy Mạnh chấn thương, trong khi ông đã loại một cầu thủ chuyên chơi ở vị trí hết sức quan trọng này là Bùi Tiến Dụng, và trước đó cũng không tạo điều kiện thử thách cho một tuyển thủ U.20 đầy triển vọng khác là Trọng Đại. Có thể hơi quá lời, nhưng nếu cho rằng “thủy thủ đoàn” của U.22 Việt Nam tại Malaysia là rất tài năng thì “thuyền trưởng” phải là vị trí “yếu” nhất.
“Bầu” Đức là người chê bai thậm tệ và làm mọi cách để buộc HLV Miura phải ra đi, đồng thời ủng hộ hết mình Hữu Thắng. Nhưng giờ so về thành tích giữa một đội lẽ ra xứng đáng vào chung kết 2 năm trước với đội bị loại “không kèn không trống” ngay từ vòng bảng, nhà cầm quân nào cao hơn? Nhưng không ai trách “bầu” Đức, về mặt cá nhân, với tư cách Chủ tịch HAGL và Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông đã làm tất cả cho “giấc mộng vàng” SEA Games; có chăng là những lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn. Năng lực giới hạn của HLV Hữu Thắng đã nhận ra từ AFF Cup 2016, nhưng VFF đã không đủ dũng cảm thay đổi để nâng tầm đẳng cấp một lứa cầu thủ được đánh giá cao và gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29 tưởng như chu đáo (thời gian tập trung dài nhất trong tất cả 11 đội, cả đời sống bóng đá trong nước dừng lại để “phục vụ” tuyển U.22) nhưng VFF không tìm được “quân xanh” xứng tầm để thầy trò Hữu Thắng bộc lộ, nhận ra những khiếm khuyết, yếu kém. Những trận thắng dễ dàng, dạo chơi trước U.22 Timor Leste, Macau, “Các ngôi sao K.League”, 2 trận tập huấn tại Hàn Quốc rồi 3 chiến thắng cách biệt liên tiếp khi vào giải đã “hại” U.22 Việt Nam.
Bây giờ thì đã quá muộn. Đá SEA Games 2 năm nữa sẽ là một lứa U.22 khác. “Bầu” Đức từng kêu gọi các lãnh đạo VFF khác cũng nên từ chức, ai tự trọng hưởng ứng?
Đông Kha