Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường SEA Games vào năm 1989. Được mệnh danh là "nữ hoàng", điền kinh là môn bắt buộc và là "mỏ vàng" với số bộ HC luôn cao nhất ở bất kỳ đại hội thể thao nào.
Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường SEA Games vào năm 1989. Được mệnh danh là “nữ hoàng”, điền kinh là môn bắt buộc và là “mỏ vàng” với số bộ HC luôn cao nhất ở bất kỳ đại hội thể thao nào. Thế nhưng phải đến SEA Games 1991 ở Manila, điền kinh Việt Nam mới có chiếc HC đầu tiên (HCB nhảy cao nữ của Vũ Mỹ Hạnh), thêm 2 kỳ SEA Games với 4 năm nữa tại Chieng Mai mới lần đầu tiên biết “mùi vàng” (Vũ Bích Hường 100m rào). Trong khi đó sau kỷ nguyên Indonesia, Thái Lan thống trị tuyệt đối trên đường chạy.
Nữ hoàng tốc độ mới của Đông Nam Á Lê Tú Chinh đoạt 3 HCV ngay kỳ SEA Games đầu tiên xuất hiện. |
SEA Games 2003 tại Mỹ Đình, dù đầu tư mạnh mẽ nhưng khoảng cách giữa điền kinh Việt Nam và Thái Lan vẫn là 5 HCV (8 so với 13), nhưng 4 năm sau khi Thái là chủ nhà lại được nới rộng ra 9 chiếc. 2 kỳ SEA Games 2013, 2015 khi thể thao Việt Nam chuyển hướng tập trung vào các môn Olympic, trong đó “nữ hoàng” là mũi nhọn, điền kinh liên tiếp lập kỷ lục với 11 HCV, nhưng ở Myanmar và Singapore vẫn chịu đứng sau Thái Lan với khoảng cách cùng 6 HCV.
Tại kỳ SEA Games này, Việt Nam đã thực hiện cuộc lật đổ lịch sử thần kỳ khi thâu tóm 17 HCV (cùng 11 HCB, 6 HCĐ), gần gấp đôi Thái Lan (9 HCV), lần đầu tiên trở thành “bá chủ” Đông Nam Á. 26 năm từ vỏn vẹn 1 chiếc HC đầu tiên “mừng như bắt được của” đến 17 HCV và ngôi “cường quốc điền kinh số 1” khu vực, một cuộc vươn vai như Phù Đổng.
Trong 17 HCV tại Malaysia, chỉ có 8 chiếc mà điền kinh từng giành được 2 năm trước ở Singapore. Đó là 400m rào và 400m nữ của Nguyễn Thị Huyền; 800m, 1.500m nam của Dương Văn Thái; 800m nữ và 1.500m nữ của Vũ Thị Ly và Nguyễn Thị Oanh (bảo vệ 2 HCV của Đỗ Thị Thảo); 5.000m nam của Nguyễn Văn Lai và tiếp sức 4X400m nữ. Còn lại có đến 9 nhà tân vô địch: Lê Tú Chinh (100m, 200m nữ), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ), Bùi Văn Đông (nhảy xa nam), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nam), Nguyễn Thị Oanh (5.000m nữ), Trần Thị Yến Hoa (100m rào nữ) và đội tiếp sức nữ 4x100m.
Gương mặt xuất sắc là “nữ hoàng tốc độ” mới Lê Tú Chinh khi trở thành VĐV điền kinh đầu tiên lập “hat-trick” vàng ngay lần đầu tiên tham dự SEA Games. Còn thành tích ấn tượng nhất là kỷ lục SEA Games 43,88 giây, đánh đổ sự độc bá của Thái Lan ở nội dung tiếp sức 4x100m của Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên, Yến Hoa, Lê Tú Chinh. Ngoài ra, phải kể đến chiếc HCV nhảy xa của Bùi Văn Đông khi chỉ đến Malaysia bằng vé vớt vào phút chót. Chiếc HCV đầu tiên trong lịch sử của nhảy cao nam, 5.000m nữ, nhảy 3 bước nữ và HCV 100m rào nữ sau 22 năm kể từ khi Vũ Bích Hường đăng quang tại SEA Games 1995.
Phương Duy (từ Malaysia)