Những thành tích gần đây cho thấy tài năng của các cầu thủ trẻ và xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không hề kém trong khu vực Đông Nam Á, kể cả so sánh với nhiều quốc gia châu lục.
Những thành tích gần đây cho thấy tài năng của các cầu thủ trẻ và xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không hề kém trong khu vực Đông Nam Á, kể cả so sánh với nhiều quốc gia châu lục. Nhưng vị trí đồng hạng 3 U.19 châu Á 2016, giành vé dự World Cup U.20 không có nghĩa sau đây 6 năm, bóng đá Việt Nam với chính lứa cầu thủ này sẽ có mặt ở VCK World Cup 2022 của các đội tuyển quốc gia. Cũng như chức vô địch Đông Nam Á U.15 vừa giành được hoàn toàn không có gì là đảm bảo 1 thập niên nữa, đội tuyển Việt Nam sẽ qua mặt Thái Lan. Thành tích giữa bóng đá trẻ và đội tuyển quốc gia sau đó là khoảng cách rất xa. Việc một thế hệ tài năng được trông đợi, kỳ vọng rất nhiều sau đó nhanh chóng thui chột là không hiếm.
Lãnh đạo VFF tặng quà và hoa chúc mừng đội tuyển U15 quốc gia |
Sự quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo trẻ 10 năm qua bắt đầu cho đơm hoa kết trái. Nhưng chủ yếu đó vẫn là nỗ lực, công sức tự thân vận động của các CLB như HAGL, Hà Nội hay các “lò” PVF, Vietel. VFF có chuyển biến đáng kể trong tư duy làm bóng đá, nhưng vai trò và sự hỗ trợ hà hơi tiếp sức, định hướng là hoàn toàn chưa đủ. Các cơ sở mạnh ai nấy đào tạo, không theo một triết lý, giáo án chung nào nhằm hướng đến một đội tuyển quốc gia mạnh, có bản sắc (như cách làm của người Đức); các CLB vẫn quá dè dặt, hạn chế trong việc sử dụng, tin dùng cầu thủ trẻ trong khi hệ thống thi đấu hàng năm của bóng đá trẻ quá ít, chỉ có một giải toàn quốc duy nhất với cỡ chục trận, còn lại quanh năm các cầu thủ chỉ tập với nhau, không có cơ hội cọ xát.
Lòng hâm mộ và tiềm năng của bóng đá Việt Nam rất lớn, nhưng để khai thác và thu ngắn khoảng cách thành tích giữa các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng V.League và hệ thống thi đấu trong nước.
Đông Kha