Hôm nay 8-7, tại Kuala Lumpur, Malaysia, ban tổ chức SEA Games 29 tiến hành bốc thăm các môn tập thể, trong đó được quan tâm nhất là nội dung bóng đá (bóng đá 11 người nam/nữ và futsal nam/nữ).
Hôm nay 8-7, tại Kuala Lumpur, Malaysia, ban tổ chức SEA Games 29 tiến hành bốc thăm các môn tập thể, trong đó được quan tâm nhất là nội dung bóng đá (bóng đá 11 người nam/nữ và futsal nam/nữ).
U.22 Việt Nam có thể gặp Thái Lan từ vòng bảng SEA Games 29. |
Với việc tìm mọi cách thủ lợi cho mình, chưa đá nhưng nước chủ nhà đã bị “thủng lưới” 2 bàn. “Bàn thua” đầu tiên là đề xuất hạ độ tuổi các đội tuyển tham dự nội dung bóng đá nam 11 người từ U.23 xuống còn U.21 bị bác bỏ, thay bằng U.22. Ai cũng biết các nước Đông Nam Á tham dự SEA Games bằng lực lượng cầu thủ U.22 là hợp lý, bởi đội hình này cũng sẽ đồng thời thi đấu vòng loại U.23 châu Á diễn ra cùng năm, ngay trước đại hội (để sẽ vừa độ tuổi U.23 nếu vào VCK năm sau).
Thế nhưng vì sao Malaysia lại muốn kéo tuột xuống chỉ còn U.21? Không khó để thấy là họ muốn làm suy yếu sức mạnh của 2 đối thủ Thái Lan và đặc biệt Việt Nam. Cụ thể, nước chủ nhà muốn loại lứa cầu thủ U.19 sinh năm 1995 của Việt Nam. Hơn ai hết, người Mã biết rõ tài năng của những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... khi trong lần đầu tiên đối đầu tại Giải U.19 Đông Nam Á 2013 ở Indonesia, đội tuyển cùng lứa của họ đã thua 0-1. Sau đó, “cơn địa chấn” U.19 Việt Nam “hủy diệt” U.19 Australia tại vòng loại U.19 châu Á 2014 cũng diễn ra ngay tại chính thủ đô Kuala Lumpur. Tại SEA Games 28 hai năm trước ở Singapore, Công Phượng đã “làm mưa làm gió”, cùng Văn Toàn vùi dập, loại U.23 Malaysia 5-1 ở vòng bảng (Phượng lập cú đúp, Toàn ấn định tỷ số).
Sau cuộc “ủ mưu” đầu tiên thất bại, Malaysia lại giở chiêu trò giành quyền tự chọn bảng. Nhưng truớc sự phản ứng mạnh mẽ của các liên đoàn bóng đá quốc gia và dư luận, truyền thông trong khu vực, 5 ngày trước lễ bốc thăm họ lại phải nhượng bộ, rút lại quyết định “kỳ cục” này. Dù đội tuyển nước chủ nhà không còn quyền tự chọn bảng đấu nhưng họ vẫn giữ 2 đặc quyền: là một trong 2 đội hạt giống số 1 với đương kim HCV Thái Lan (dù không phải là một trong 4 đội hàng đầu tại SEA Games trước) và được “đặc cách” nằm ở bảng A... chỉ có 5 đội (sẽ thi đấu ít hơn 1 trận so với bảng B). 2 đội HCB và HCĐ là Myanmar và Việt Nam chỉ thuộc nhóm hạt giống số 2. Các đội còn lại cũng sẽ bắt cặp (dựa trên thành tích ở kỳ SEA Games trước) lần lượt bốc thăm xác định bảng đấu.
***
Nhưng nói như HLV trưởng U.22 Việt Nam Hữu Thắng, “muốn chinh phục chiếc HCV SEA Games phải vượt qua mọi đối thủ ở vòng đấu bảng, bán kết rồi chung kết. Quan trọng là thực lực của mình”. Đúng là với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á hiện nay, gặp đội nào, ở bảng đấu nào không quá quan trọng; tuy nhiên với chỉ tiêu tối thiểu phải có mặt ở trận chung kết và xác định Thái Lan vẫn là đối thủ vượt trội, lá thăm may mắn sẽ có một phần ý nghĩa quan trọng. Kể từ khi trở lại đấu trường SEA Games, trong 5 lần bóng đá nam Việt Nam vào chung kết (4 lần với Thái Lan, 1 lần với Malaysia (và... đều thất bại) đều hoặc sớm nằm cùng bảng với Thái hoặc cùng đứng đầu bảng bên kia, nên tránh được Thái Lan ở bán kết. Khả năng hôm nay U.22 Việt Nam nhận lá thăm vào cùng bảng với quốc gia giữ kỷ lục 15 lần HCV SEA Games là hoàn toàn có thể, bởi đã 5 kỳ SEA Games gần đây, trong môn bóng đá nam Việt Nam chưa từng chung bảng với nước chủ nhà. Đó sẽ là kết quả mà hẳn Malaysia cũng rất mong muốn vì tránh được cả U.22 Thái Lan và Việt Nam, đồng nghĩa cơ hội vào bán kết của đội chủ nhà sẽ rất lớn.
Đông Kha