Thừa tiềm lực tài chính và tham vọng như "bầu" Hùng của Than QN, thế mà không tìm đâu ra ngoại binh ưng ý đành vời lại Dyachenko, tiền đạo người Nga đã 31 tuổi từng bị chính đội bóng đất mỏ thải loại sau mùa 2016 và vừa bị TP.Hồ Chí Minh thanh lý hợp đồng trước thời hạn khi lượt đi V.League 2017 còn chưa hết lượt đi.
Thừa tiềm lực tài chính và tham vọng như “bầu” Hùng của Than QN, thế mà không tìm đâu ra ngoại binh ưng ý đành vời lại Dyachenko, tiền đạo người Nga đã 31 tuổi từng bị chính đội bóng đất mỏ thải loại sau mùa 2016 và vừa bị TP.Hồ Chí Minh thanh lý hợp đồng trước thời hạn khi lượt đi V.League 2017 còn chưa hết lượt đi.
Đội chót bảng Long An có nhu cầu “thay máu”, nâng chất đội hình lớn nhất nhằm đào thoát khỏi chiếc vé xuống hạng. Nhưng suốt 2 tháng thử việc hàng chục ngoại binh mà không chấm được ai, đến tận giờ chót phải “chữa cháy” bằng “hàng thải” Eydison của SHB.ĐN (thay thế cho “người cũ”, tiền vệ người Hàn Quốc Sim Woon-sub đã ra sân 2 trận lượt về trước đó) và cầu thủ Brasil Luiz mà không cần thử việc...
Đó là 2 câu chuyện điển hình cho “phiên chợ chiều” ngoại binh trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa của V.League năm nay.
Đã qua rồi thời hoàng kim sân cỏ Việt Nam là “miền đất hứa” cho các nhà môi giới, cầu thủ nước ngoài tìm đến, khi những “bầu” Đức, “bầu” Trường, “bầu” Thụy... đua tiền, đánh bóng tên tuổi. Trước đây, ngoại binh nhận tiền lót tay cả trăm ngàn USD, hưởng lương 10 ngàn USD/tháng ở V.League không phải chuyện hiếm. “Thiên đường” ấy giờ không còn nữa, với sự rút lui của hàng loạt “ông bầu” có máu mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính, các đội bóng đều “thắt lưng buộc bụng”, không thể chi quá nhiều cho việc chiêu mộ cầu thủ ngoại. Đến như “Chelsea Việt Nam” B.Bình Dương mà 2 mùa qua hầu như cũng “án binh bất động” trên thị trường chuyển nhượng. Những “bom tấn” như bản hợp đồng với ngôi sao Brasil Denilson hoàn toàn không còn.
Cộng thêm vào đó, việc V.League hạn chế ngoại binh với “quota” chỉ còn 2 suất cho mỗi CLB, khiến dòng chảy cầu thủ ngoại đến Đông Nam Á chuyển sang Thai League, Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia). “Tiền nào của nấy”, những đôi chân tìm đến Việt Nam chỉ là những cầu thủ làng nhàng, hàng dạt hoặc đang thất nghiệp. Các đội bóng đành chấp nhận những bản hợp đồng theo kiểu “cũ người mới ta” hoặc “đèn cù ta chạy vòng quanh”. Các CLB trong nước hoặc “rút ruột”, “chiêu dụ” người lẫn nhau sau mỗi mùa giải (như tiền đạo Uche của Thanh Hóa hiện nay trong 6 năm chơi bóng ở Việt Nam đã qua 6 CLB), hoặc ngoại binh không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn bị đội bóng này thải ra thì đội khác lại đưa về (như trường hợp Dyachenko nói trên).
Câu chuyện chất lượng ngoại binh V.League ngày càng thấp (kéo theo sự kém hấp dẫn của giải) chung quy cũng vì “người khôn, của khó”
Đông Kha