Tối 17/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Ngày Quốc tế Yoga tại Việt Nam lần thứ 3 năm 2017.
Tối 17/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Ngày Quốc tế Yoga tại Việt Nam lần thứ 3 năm 2017.
Đông đảo người dân tham gia Ngày Quốc tế Yoga lần 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN) |
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ 2017, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Ấn Độ (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017).
Tham dự sự kiện có đại diện Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Liên đoàn Yoga Việt Nam...; về phía quốc tế có đại diện Liên hợp quốc, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố Thông điệp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dành cho Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 3 năm 2017.
Theo đó, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh: “Phong trào tăng cường sức khỏe và tập Yoga ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Tôi kêu gọi tất cả những người yêu mến Yoga hãy làm tăng thêm thành viên cho gia đình Yoga trên toàn thế giới bằng cách thu hút thêm nhiều người đến với bộ môn này.
Hãy cùng nhau biến Yoga thành một phong trào quần chúng và các bạn sẽ thấy Yoga có thể làm nên sự thay đổi tích cực như thế nào tới sự hài hòa, an lạc và hòa bình thế giới.”
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho biết, kể từ khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố chọn ngày 21/6 là Ngày Quốc tế Yoga sau lời kêu gọi của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đất nước Ấn độ đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành của 177 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Từ đó, Yoga ngày càng phổ biến hơn trên toàn cầu. Sự kiện này là minh chứng cho điều đó. Yoga đã trở thành một thành tố lớn mạnh, đóng góp đáng kể cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết Việt Nam-Ấn Độ.
Đại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh, Yoga là món quà đến từ đất nước Ấn Độ dành cho toàn nhân loại. Con người có thể hài hòa giữa thể chất, tâm hồn và cảm xúc của mình; từ đó hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, tận dụng tối đa năng lực bản thân trong cuộc sống căng thẳng hiện nay.
Theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, tuy xa cách về mặt địa lý nhưng mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước vẫn liên tục phát triển.
Những đền đài của văn hóa Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, tông phái Phật giáo tiểu thừa cùng sự lan tỏa của Yoga là những minh chứng cho sự giao thoa văn hóa cho hai nước, tạo nên niềm tin vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 18 dự án của các nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 4,6 triệu USD. Các dự án tương đối nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam và Ấn Độ cũng như Hà Nội và các địa phương của Ấn Độ cần tăng cường chủ động hợp tác hơn nữa, tập trung tháo gỡ rào cản, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở đó xác định ưu tiên, thế mạnh hợp tác của mỗi bên.
Sau lễ khai mạc là màn đồng diễn các giao thức Yoga phổ biến với sự tham gia của 1.000 người tập Yoga trên địa bàn thủ đô.
Ngoài sự kiện tại Thủ đô Hà Nội, Chương trình sẽ diễn ra tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, thành phố Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Long An, Đồng Nai và Cần Thơ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình dự kiến diễn ra vào ngày 25/6, thu hút khoảng 2.000 người tham dự.
Dịp này, cuốn sách “Giao thức Yoga phổ biến” do Bộ Ayurveda, Yoga & Trị liệu thiên nhiên, Unani, Siddha và Liệu pháp Vi lượng đồng căn (AYUSH) do Chính phủ Ấn Độ xuất bản cũng được giới thiệu và dành tặng cho những người tham gia đồng diễn Yoga trong sự kiện./.