Báo Đồng Nai điện tử
En

U.20 Việt Nam: Được, chưa được!

10:05, 31/05/2017

Nhìn nhận lại toàn bộ quá trình thi đấu tại VCK World Cup U.20 ở Hàn Quốc vừa qua, thành tích đội tuyển U.20 Việt Nam phản ánh đúng trình độ của chúng ta, về sự non kém của một đội bóng lần đầu tiên tham dự một World Cup ở lứa tuổi trẻ.

Nhìn nhận lại toàn bộ quá trình thi đấu tại VCK World Cup U.20 ở Hàn Quốc vừa qua, thành tích đội tuyển U.20 Việt Nam phản ánh đúng trình độ của chúng ta, về sự non kém của một đội bóng lần đầu tiên tham dự một World Cup ở lứa tuổi trẻ. Những nỗ lực của các cầu thủ không có gì để chê trách, thậm chí cần phải có lời cảm ơn tới thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn khi đã đem đến những cảm xúc rất đặc biệt, những trải nghiệm lần đầu tiên của bóng đá Việt Nam trên sân cỏ World Cup cho người hâm mộ.

Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cảm ơn cổ động viên.
Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cảm ơn cổ động viên.

Có thể U.20 Việt Nam chỉ có 1 điểm ở giải đấu năm nay, nhưng cần nhớ rằng đó là một cột mốc lịch sử của nền bóng đá Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cũng có những điểm sáng, đó là một lối chơi phù hợp với ưu, nhược điểm về thể hình, thể trạng của người Việt Nam. Điều đáng khen nữa là thể lực của các cầu thủ được nâng lên đáng kể thể hiện qua sức bền, tốc độ và sức chịu đựng trong va chạm, tranh chấp tay đôi của toàn đội trước các đối thủ vượt trội. Đặc biệt là tinh thần thi đấu, nỗ lực đến cùng của từng cá nhân trên lối chơi có tính tập thể cao. Tất cả cho thấy, U20 Việt Nam đang đi đúng hướng và cần tiếp tục phát huy, nâng cao sở trường.

Chúng ta không nên quá tiếc nuối vì những khoảnh khắc vô duyên trong dứt điểm, bởi đó không hoàn toàn là sự may rủi mà thể hiện trình độ, đẳng cấp, bản lĩnh và kinh nghiệm của các cầu thủ. Tất cả những điều này không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết tinh của quá trình bao gồm nhiều giai đoạn: chuẩn bị, tập luyện, thi đấu để rèn luyện tâm lý. Nhìn lại toàn bộ cầu thủ U.20 Việt Nam, hầu hết có tâm lý thi đấu không tốt do có quá ít cầu thủ được thi đấu thường xuyên ở V.League, chỉ có 3 cái tên là Đình Trọng (Sài Gòn FC), Quang Hải (Hà Nội) và Đức Chinh (SHB.ĐN).

Rõ ràng với chất lượng công tác đào tạo trẻ và quan điểm sử dụng người ở các CLB như hiện nay, không thể đòi hỏi quá nhiều ở các cầu thủ trẻ. Cả nước chỉ có vài ba trung tâm đào tạo thực sự có chất lượng và bài bản, như: HAGL, PVF hay Viettel, Hà Nội, nhưng các em rất thiếu môi trường đỉnh cao để rèn luyện, cọ xát và tiếp tục phát triển. Hy vọng từ U.20 World Cup sẽ làm thay đổi cách nhìn lẫn cách làm và tạo cảm hứng cho những đội bóng trong nước về công tác đào tạo trẻ.

Hãy bắt đầu xây dựng từ đội tuyển quốc gia và giải vô địch quốc gia, bởi đây là thước đo của một nền bóng đá. V.League - nơi được coi là nguồn cung cấp lực lượng cho hầu hết các đội tuyển quốc gia còn đầy rẫy những vấn đề bất cập. 17 năm khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, vẫn chưa chuyên nghiệp thực sự. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn và đào tạo trẻ của VFF cũng có rất nhiều vấn đề. Cơ sở vật chất thiếu thốn và chưa đồng bộ... Tất cả cho thấy nền bóng đá đang có nhiều bất cập về mọi mặt, từ chuyên môn đến ngoài chuyên môn. Để hiện thực hóa được những mục tiêu vươn tầm hay đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của người hâm mộ, tất cả cần phải được thay đổi đồng bộ. Nếu không, có lẽ chúng ta cũng chỉ mãi luyến tiếc mà thôi.

Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan và cầu thị những gì được và chưa được của đội tuyển U.20 qua một giải đấu như thước đo chuẩn mực của bóng đá thế giới.

Vũ Mạnh Hải

(cựu danh thủ Thể Công)

Tin xem nhiều