Việc tiếp tục tin dùng Vũ Văn Thanh ở hành lang trái, một hậu vệ có khả năng tham gia tấn công (vì vốn là một tiền vệ) ở một trận đấu trên sân đối phương mà mục tiêu lớn nhất là xây chắc hàng thủ, là không hợp lý.
Việc tiếp tục tin dùng Vũ Văn Thanh ở hành lang trái, một hậu vệ có khả năng tham gia tấn công (vì vốn là một tiền vệ) ở một trận đấu trên sân đối phương mà mục tiêu lớn nhất là xây chắc hàng thủ, là không hợp lý. Thực tế rất nhiều lần Văn Thanh bị “Messi Indo” Andik và cả hậu vệ phải của Indonesia là Wahyudi vượt qua, và việc dâng lên hỗ trợ cho Thành Lương ở trận bán kết lượt đi của cầu thủ HAGL hầu như không thể, thậm chí kém hẳn so với Đình Đồng bên cánh đối diện. Ở vị trí này, trong tay HLV Hữu Thắng vẫn còn một hậu vệ biên thuần túy là Sầm Ngọc Đức. Nếu e ngại cầu thủ HN T&T thiếu kinh nghiệm quốc tế thì vì sao ông lại bỏ rơi một gương mặt rất dày dạn, rất “quái”, từng luôn là sự lựa chọn số 1 ở hành lang trái của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura là Trịnh Xuân Thành (B.Bình Dương)?
Cũng ở hàng phòng ngự, trước một Indonesia đã được nhận diện là thiên về bóng bổng, giới chuyên môn cho rằng sử dụng trung vệ Đinh Tiến Thành cao 1,85m sẽ hiệu quả hơn Tiến Dũng cao 1,76m, và có thể Việt Nam đã không nhận bàn thua đầu tiên từ pha không chiến.
Nhưng khó hiểu nhất là trường hợp Lê Văn Thắng được bố trí đá tiền vệ trụ. Đã đành như HLV Hữu Thắng giải thích, Văn Thắng đã được cho tập vai trò này từ ngày đầu lên tuyển và đã chơi trong trận cuối vòng bảng với Campuchia (đá cặp với Trọng Hoàng), nhưng bản năng của một tiền đạo và đá dạt cánh đã ăn sâu qua từ các CLB Thanh Hóa, V.Ninh Bình, Cần Thơ đến Hải Phòng, khó có thể bỏ trong một sớm, một chiều. Thực tế “vua phá lưới nội” V.League 2015 đóng góp rất ít vào lối chơi chung, cả trong hỗ trợ phòng ngự lẫn tấn công, bởi anh không có khả năng đánh chặn, tranh chấp cũng như làm bóng. Có hợp lý hơn khi sử dụng Trọng Hoàng ở vị trí này để nhường cánh trái cho Văn Toàn?
M.C