Báo Đồng Nai điện tử
En

U19 Nhật Bản muốn đánh bại U19 Việt Nam để xóa dớp "Vua về nhì"

09:10, 26/10/2016

Nhật Bản là cường quốc bóng đá hàng đầu châu Á nhưng tuyển U19 của họ chưa từng vô địch Giải U19 châu Á dù đã sáu lần lọt vào tới trận chung kết. Đánh bại U19 Việt Nam chính là mục tiêu của U19 Nhật Bản trên con đường xóa dớp "Vua về nhì".

Nhật Bản là cường quốc bóng đá hàng đầu châu Á nhưng tuyển U19 của họ chưa từng vô địch Giải U19 châu Á dù đã sáu lần lọt vào tới trận chung kết. Đánh bại U19 Việt Nam chính là mục tiêu của U19 Nhật Bản trên con đường xóa dớp “Vua về nhì”.
U19 Nhật Bản vẫn đang tìm kiếm chức vô địch đầu tiên ở Giải U19 châu Á. (Ảnh: AFC)
U19 Nhật Bản vẫn đang tìm kiếm chức vô địch đầu tiên ở Giải U19 châu Á. (Ảnh: AFC)
Thắng lợi 4-0 trước U19 Tajikistan rạng sáng nay đã đưa U19 Nhật Bản vào bán kết giải U19 châu Á 2016. Đội bóng Đông Á cũng chính là đối thủ kế tiếp của U19 Việt Nam ở giải năm nay. Hiện tại, phong độ của U19 Nhật Bản đang rất cao với ba chiến thắng, một trận hòa, ghi 10 bàn, chưa để lọt lưới lần nào.

Trong bảy trận gần nhất cả giao hữu và chính thức, U19 Nhật Bản đã thắng tới sáu. Hàng thủ là điểm mạnh nổi bật của U19 Nhật Bản khi họ chỉ để lọt lưới một lần sau bảy trận. Trên quãng đường đó, U19 Nhật Bản từng có những thắng lợi tưng bừng trước các đội rất mạnh (thắng 5-0 trước U19 Croatia, 3-0 trước Yemen, 2-1 trước Cộng hòa Czech).

Giống như hồi năm 2014, đội hình U19 Nhật Bản có rất nhiều cầu thủ đang chơi tại J-League 1 và J-League 2. Trong danh sách 24 cái tên, có tới 14 người đang đá tại J-League 1. Để tiện so sánh, những cầu thủ tốt nhất của tuyển quốc gia Việt Nam là Tuấn Anh và Công Phượng thậm chí còn phải ngồi dự bị ở J-League 2 - giải đấu hạng dưới của J-League 1.

Ngoài những cầu thủ J-League, phần còn lại của U19 Nhật Bản là các cầu thủ sinh viên và học sinh phổ thông. Dù vậy, họ vẫn rất đáng gờm. Chân sút chủ lực Yuto Iwasaki – người ghi nhiều bàn nhất cho U19 Nhật Bản (2 bàn), vẫn còn là học sinh phổ thông ở trường Kyoto Tachibana. Thủ môn chính thức của tuyển U19 Nhật Bản Yuto Iwasaki cũng mới đỗ vào Đại học Waseda.

Lối chơi của U19 Nhật Bản được đánh giá là toàn diện và đa dạng bậc nhất. Xem lại trận gặp U19 Tajikistan, có thể thấy U19 Nhật Bản đã ghi bàn cả từ đánh đầu, sút xa và dứt điểm cận thành. Đội bóng Đông Á tỏ ra rất mạnh khi chơi dãn biên và đá pressing cường độ cao. Thể lực và sự hiệu quả là hai điểm mạnh nổi trội của họ.

Huấn luyện viên của U19 Nhật Bản tại giải 2016 chính là trợ lý ở giải 2014 - giải đấu mà U19 Nhật Bản bị loại từ tứ kết. Chia sẻ với báo giới sau trận gặp U19 Tajikistan, ông Atsushi Uchiyama xúc động: “Giải năm 2014, tôi chỉ là một trợ lý còn tuyển U19 Nhật Bản không vượt qua được tứ kết. Dù vậy, tôi đã học được rất nhiều. Năm nay, chúng tôi không chỉ vượt qua tứ kết mà còn chơi rất tốt.”

“Tôi tự hào vì U19 Nhật Bản đã không từ bỏ con đường mình lựa chọn. Chúng tôi đã tiếp tục lối chơi cũ. Tôi nghĩ đó chính là nền tảng dẫn tới thành công hôm nay của đội tuyển.”

Với lực lượng hùng hậu như vậy, U19 Nhật Bản vẫn là kẻ lỗi hẹn với ngôi vô địch. Đội tuyển Đông Á đã sáu lần về nhì, bốn lần giành hạng ba, bốn lần giành hạng tư và chưa một lần vô địch. Khát vọng của họ vì thế là cực kỳ mãnh liệt. Lọt vào U20 World Cup 2017 là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Nhật Bản có mặt ở tốp bốn châu Á.

Đối đầu với họ sẽ là thử thách khó khăn nhất của U19 Việt Nam từ đầu giải. Còn nhớ, lứa U19 Việt Nam của Công Phượng từng ba lần đối đầu với U19 Nhật Bản hồi năm 2014. Kết quả, họ toàn thua cả ba trận, thủng lưới 11 bàn./.

THÙY MINH (VIETNAM+)

Tin xem nhiều