Báo Đồng Nai điện tử
En

Đâu là khác biệt giữa 2 lứa U.19?

10:10, 31/10/2016

Không nên "té nước theo mưa", "khi vui thì vỗ tay vào", nên trước hết cần khẳng định, thừa nhận lứa cầu thủ U.19 Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường 2 năm trước tài năng hơn, nghệ sĩ hơn, mang lại nhiều cảm xúc hơn; vì thế được giới hâm mộ yêu mến nhiều hơn.

Không nên “té nước theo mưa”, “khi vui thì vỗ tay vào”, nên trước hết cần khẳng định, thừa nhận lứa cầu thủ U.19 Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường 2 năm trước tài năng hơn, nghệ sĩ hơn, mang lại nhiều cảm xúc hơn; vì thế được giới hâm mộ yêu mến nhiều hơn. Vậy vì sao họ không thành công, kém xa về thành tích so với lứa đàn em hiện tại? Đâu là khác biệt?

Đứng thứ 3 Giải U.19 châu Á, Việt Nam (áo đỏ) cần phải tích cực chuẩn bị cho World Cup U.20.
Đứng thứ 3 Giải U.19 châu Á, Việt Nam (áo đỏ) cần phải tích cực chuẩn bị cho World Cup U.20.

Trước hết là triết lý chơi bóng. Được giáo dục, đào tạo từ năm lên 10, 11 tuổi, “những đứa trẻ bầu Đức” không và chưa từng mang trong đầu suy nghĩ về một lối chơi phòng ngự, dù là phòng ngự tích cực, phòng ngự để tấn công, tạo đột biến, bất ngờ. Và quả thật, khi sở hữu bóng họ tấn công rất hay, ban bật như thêu hoa dệt gấm, đi bóng qua người đầy ngẫu hứng, ghi những siêu phẩm làm say đắm lòng người. Nhưng ngược lại, thường lúng túng trong việc giành lại bóng và tổ chức phòng ngự khi đối đầu với các đối thủ trên cơ. Còn với đội U.19 tại Bahrain vừa qua, làm nên thành công vào bán kết không phải là nhờ sức mạnh tấn công mà trước hết là từ sự chắc chắn, lỳ lợm, đeo bám quyết liệt của hàng thủ.

Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất được tất cả các nhà chuyên môn đánh giá cao ở các học trò Hoàng Anh Tuấn tại VCK U.19 châu Á 2016 là sức bền, thể lực và tầm vóc khi ngang ngửa với CHDCND Triều Tiên, UAE, Iraq, thậm chí hơn cả chủ nhà Bahrain. Đây cũng là khác biệt quan trọng nhất so với lứa U.19 hai năm trước. Do giáo trình của Học viện JMG trên toàn cầu là chú trọng năng khiếu bẩm sinh, ưu tiên phát triển kỹ thuật, không đặt nặng yếu tố thể hình, sức mạnh trong tuyển chọn đầu vào cũng như quá trình đào tạo; nên hầu hết cầu thủ HAGL hiện tại dù đã trưởng thành nhưng vẫn “thấp bé, nhẹ cân”, như: Thanh Tùng, Văn Toàn, Thanh Hậu... Việc thua sút về thể lực, khả năng tranh chấp kém khi ra sân chơi quốc tế là điều dễ hiểu. Trong khi đó, do quan tâm như một tiêu chí tuyển sinh nên ngay ở giải U.15, các cầu thủ HN T&T, PVF, Viettel đã to cao vượt trội so với cùng trang lứa.

Một khác biệt quan trọng nữa là kinh nghiệm thực chiến. HAGL JMG cấm cầu thủ thi đấu giày trên sân 11 người trong 5 năm đào tạo đầu tiên. Đến tuổi 18, các em mới bắt đầu đá “match” nhưng chỉ trong một số giải nội bộ của học viện toàn cầu. Chính vì thế, khi trình làng tại Giải U.19 Đông Nam Á 2013 ở Indonesia, những Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phượng... hầu như là tờ giấy trắng, việc thất bại ở 2 trận chung kết U.19 Đông Nam Á liên tiếp và kết quả lao đao ở V.League 2015 cũng từ nguyên nhân thiếu kinh nghiệm thi đấu, cọ xát đỉnh cao. Ngược lại, các lò đào tạo trong nước thường đặt nặng yếu tố thành tích, ngay từ lứa U.13, 15, 17 các cầu thủ nhí đã được đấu giải để thử lửa, tích lũy bản lĩnh và gặt thành tích.

Và cuối cùng là vai trò cầm quân. HLV Grachaen của U.19 HAGL trước đây là mẫu “thầy giáo gõ đầu trẻ”, chỉ làm công tác đào tạo trẻ, cũng như các học trò hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chinh chiến. Còn HLV Hoàng Anh Tuấn, lớn hơn 9 tuổi, từng nhiều năm lăn lộn ở V.League, trợ lý đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012, “quái” và cũng giàu bằng cấp quốc tế hơn hẳn. Cộng thêm vào đó, như ông Tuấn thừa nhận, sự hỗ trợ của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede và nhất là chuyên gia thể lực người Đức đã nâng cấp rất nhiều cho U.19 Việt Nam.

Sẽ thật tuyệt vời nếu một đội tuyển tương lai là sự kết hợp giữa lối chơi hào hoa, đẹp mắt của U.19 hai năm trước với sự thực dụng, khả năng phòng ngự vững vàng, phản công hiệu quả của U.19 hiện nay.

Đông Kha

 

Tin xem nhiều