Hồi còi mãn trận vang lên, trên sân Hàng Đẫy các cầu thủ HN T&T ôm nhau la hét, nhảy múa; ít giây sau tại Lạch Tray, các cầu thủ Hải Phòng đổ sụp xuống sân, Fagan nằm úp mặt rũ rượi không thể đứng lên nổi và rất nhiều nước mắt.
Hồi còi mãn trận vang lên, trên sân Hàng Đẫy các cầu thủ HN T&T ôm nhau la hét, nhảy múa; ít giây sau tại Lạch Tray, các cầu thủ Hải Phòng đổ sụp xuống sân, Fagan nằm úp mặt rũ rượi không thể đứng lên nổi và rất nhiều nước mắt. Ranh giới giữa nhà vô địch và kẻ về nhì thật mong manh, với V.League 2016 nó chỉ là... 2 bàn thắng.
Các cầu thủ HN.T&T vui mừng với chức vô địch. |
HN T&T vô địch xứng đáng
Không thể nói cách nào khác hơn về một đội bóng đã làm nên cuộc hồi sinh thần kỳ. Biến động trên băng ghế huấn luyện và cuộc trẻ hóa lực lượng khiến 5 trận đầu mùa, nhà đương kim á quân chỉ giành được duy nhất 1 điểm, xếp đội sổ và khoảng cách với đội đầu bảng Hải Phòng lên đến 14 điểm. Có thể nói, HN T&T đã “chấp” các đối thủ 5 vòng đấu. Tuy nhiên bắt đầu từ vòng 6, đội bóng thủ đô đã làm liền 8 trận thắng để từng bước gia nhập tốp 4, rồi đánh chiếm ngôi nhì sau vòng 19. Một chút loạng choạng với các trận thua trước HAGL, Hải Phòng và Cần Thơ, nhưng Văn Quyết, Thành Lương và các đồng đội đã thực hiện cú nước rút thắng liền một mạch 5 trận cuối để đăng quang ngôi vô địch.
Trong lịch sử, B.Bình Dương là CLB đăng quang thuyết phục nhất khi lên ngôi lần đầu ở V.League 2007 trước 4 vòng đấu, bỏ xa đội về nhì ĐTLA với khoảng cách kỷ lục: 11 điểm. |
Tổng kết dưới sự dẫn dắt của “kẻ đóng thế” Chu Đình Nghiêm, HN T&T đã giành tới 16 chiến thắng trong 21 vòng đấu, là đội bóng có số trận thắng nhiều nhất giải với 16 trận, đồng thời cũng sở hữu hàng thủ vững chắc nhất khi chỉ thủng lưới 28 lần. Chính hiệu số bàn thắng cao nhất (17) là yếu tố quyết định để HN T&T vượt mặt Hải Phòng giành chức vô địch. Cuộc ngược dòng ngoạn mục này rất giống với năm 2009, mùa đầu tiên HN T&T lên chơi V.League họ đứng chót lượt đi, phải vời HLV Hữu Thắng từ Nghệ An ra và cán đích chung cuộc ở vị trí thứ 4.
Chiếc cúp vô địch thứ 3 càng ý nghĩa khi mùa này đội bóng “bầu” Hiển hầu như không hề mua sắm cầu thủ mà mạnh dạn thực hiện cuộc trẻ hóa lực lượng với 2/3 là những nhân tố tự đào tạo và một nửa trong số đó là là cầu thủ trẻ trên dưới 20 tuổi. Trong bối cảnh ấy, xuyên suốt mùa giải đội hình HN T&T lại liên tục hao hụt: mới sau vòng 4 Văn Quyết nhận án kỷ luật treo giò 5 trận liền vì đẩy ngã trọng tài Công Khanh, chân sút số 1 Hoàng Vũ Samson thường xuyên vắng mặt vì bệnh và chấn thương, tài năng trẻ Duy Mạnh gần như vất đi cả mùa, và đỉnh điểm là trận cuối mất cùng lúc 3 cầu thủ tấn công chính thức. Thế nhưng những “măng non” Quang Hải, Đức Huy, Hữu Dũng, Phạm Văn Thành, Duy Khánh, Thành Chung, Minh Hải, Hải An, Anh Đức... đã xuất sắc cáng đáng trọng trách của các đàn anh.
Không thể không thán phục sự quá ổn định về thành tích của đội bóng thủ đô. Ngoại trừ năm đầu tiên lên V.League đứng hạng 4, suốt 7 mùa qua HN T&T luôn về trong 2 hạng đầu, trong đó cứ chu kỳ 3 năm lại lên ngôi, để trở thành CLB giàu thành tích thứ 2 trong lịch sử 16 năm V.League với tổng cộng 3 danh hiệu vô địch. Điều này cho thấy cách làm bóng đá nghiêm túc, hướng đến lâu dài của “bầu” Hiển chứ không phải ăn xổi, coi bóng đá như thứ trang sức, đánh bóng tên tuổi nên “cả thèm chóng chán” như “bầu” Trường, “bầu” Thụy.
Nhưng V.League 2016 không có minh chủ
Chưa bao giờ trong lịch sử giải vô địch quốc gia kể từ khi áp dụng thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà, sân khách, cuộc đua đến ngôi vô địch lại căng thẳng, kịch tính đến vậy, khi cho đến trước vòng áp chót vẫn bỏ ngỏ cho đến 5 CLB và đến tận lượt cuối vẫn có đến 4 đội tranh chấp. Cũng chưa bao giờ mà ngôi vương chỉ được phân định bởi hiệu số bàn thắng, bại (không chỉ cùng 50 điểm mà HN T&T và Hải Phòng còn ngang bằng trong cả đối đầu trực tiếp khi đều thắng trên sân nhà với tỷ số 2-1). Điều này khiến giải hấp dẫn người xem cho đến tận những phút cuối cùng, nhưng đồng thời nó cũng phản ánh một thực tế: V.League 2016 không có một đội nào thực sự vượt trội hẳn so với phần còn lại, để xứng đáng được cả thiên hạ “tâm phục, khẩu phục” tôn làm minh chủ. Kịch tính liên tục hoán đổi chủ nhân trong cuộc đua đến ngôi vô địch không phải do các đội mạnh ngang tài, cân sức mà chủ yếu đến từ việc các ứng viên liên tục thay nhau tự làm khó, bắn vào chân mình.
Có thể dẫn chứng hàng loạt trận đấu như vậy. Nhà tân vô địch HN T&T sẽ không phải giành cúp nghẹt thở đến thế nếu không có 3 trận mất điểm trước đối thủ dưới cơ: Long An (1-1), HAGL, Cần Thơ (cùng thua 0-1). Hải Phòng lẽ ra đã sớm làm nên lịch sử nếu không có 3 thất bại lãng xẹt trước Đồng Tháp, S.Khánh Hòa, Cần Thơ. Với SHB.ĐN là những trận thua đáng tiếc trước HAGL, Sài Gòn, S.Khánh Hòa. Đáng tiếc và cũng đáng trách nhất là FLC Thanh Hóa khi hết lần này đến lần khác từ chối cơ hội bởi phong độ phập phù và những cú vấp không đáng có, để từ vị thế một ứng cử viên nặng ký đầu mùa, mất mọi danh hiệu và chỉ về thứ 6.
Việc đăng quang của HN T&T cũng khó thuyết phục các đối thủ khi cho đến trước vòng đấu cuối cùng, họ chỉ dẫn đầu vỏn vẹn 2/25 vòng đấu. Chính HLV Chu Đình Nghiêm cũng thừa nhận: có mơ mộng thế nào cũng không dám nghĩ vô địch, nhưng HN T&T đã may mắn cùng với việc các đội bóng khác sảy chân đã mở ra cơ hội lấy cúp. Dù vậy, đây sẽ là mùa giải đáng nhớ nhất trong lịch sử V.League.
Tổng kết V.League 2016 Do cập nhật của VPF không chính xác (chỉ căn cứ hiệu số giữa các đội bằng điểm thay vì phải tính kết quả đối đầu trực tiếp) nên bảng xếp hạng V.League 2016 được các phương tiện truyền thông đưa sau khi kết thúc giải đều không chính xác. Kết quả chung cuộc của giải như sau: HN T&T đoạt chức vô địch cùng phần thưởng 3 tỷ đồng; Hải Phòng giành ngôi á quân cùng 1,5 tỷ đồng; SHB Đà Nẵng đứng hạng 3 với 750 triệu đồng. Tiếp đó là: 4/ Than QN (44 điểm), 5/ QNK Quảng Nam (42 điểm), 6/ FLC Thanh Hóa (42 điểm), 7/ Sài Gòn (36 điểm), 8/ S.Khánh Hòa (36 điểm), 9/ SLNA (34 điểm), 10/ B.Bình Dương (34 điểm), 11/ XSKT Cần Thơ (34 điểm), 12/ HAGL (30 điểm), 13/ Long An (19 điểm, đá play-off với Viettel), 14/ Đồng Tháp (14 điểm, xuống hạng nhất). Với cú hat-trick trong chiến thắng 4-0 của SHB.ĐN trên sân Đồng Tháp, chân sút người Argentina Gaston Merlo lần thứ 4 trở thành vua phá lưới, đồng thời nêu kỷ lục mới của V.League với 24 bàn thắng (chỉ kém thành tích của “thầy” Lê Huỳnh Đức ở Giải các đội mạnh toàn quốc 1996 đúng 1 bàn). Nếu không tính chân sút nhập tịch Hoàng Vũ Samson (HN T&T, 15 bàn), với cùng 11 pha lập công Lê Văn Thắng (Hải Phòng) và Vũ Minh Tuấn (Than QN) là “vua phá lưới nội”. Gala trao thưởng V.League và Giải hạng nhất 2016 sẽ diễn ra vào ngày 1-10 tại TP.Hồ Chí Minh. Trường Xuyên |
Đông Kha