Theo báo cáo của Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai (cũ), tổng kinh phí đầu tư riêng cho đội bóng đá Đồng Nai tham dự V.League 2015 là hơn 38 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15 tỷ đồng).
[links()]Theo báo cáo của Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai (cũ), tổng kinh phí đầu tư riêng cho đội bóng đá Đồng Nai tham dự V.League 2015 là hơn 38 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15 tỷ đồng).
Nếu không có nhu cầu, khát vọng thì Đồng Nai có cần thiết duy trì đội bóng hạng nhất? |
Thử làm một bài toán, với số khán giả đến sân qua 13 trận đấu trên sân nhà mùa ấy là 98 ngàn người, trung bình hơn 7.500 khán giả/trận (theo thống kê từ VPF), như vậy bình quân để phục vụ 1 lượt khán giả trong cả mùa giải chi phí cho đội bóng là gần 400 ngàn đồng. Chưa có con số tổng kết mùa giải 2016, nhưng kinh phí đầu tư cho đội hạng nhất Đồng Nai chắc chắn không dưới 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, số khán giả đến sân tụt giảm thê thảm, chỉ có tổng cộng 7.700 người qua 9 trận trên sân nhà, trung bình 770 khán giả/trận.
Chính vì sức hút giải hạng nhất quá kém nên chi phí “đội” lên gần 1,6 triệu đồng/khán giả, gấp gần 4 lần so với khi Đồng Nai chơi ở V.League. Trong khi đó, mùa giải đầu tiên Đồng Nai lên chơi V.League 2013 số khán giả còn đạt mức kỷ lục, 10 trận đấu trên sân nhà đã thu hút tổng cộng 113 ngàn CĐV đến sân.
Bóng đá chuyên nghiệp cũng là một sản phẩm xã hội, do đó việc hạch toán kinh tế phải tính đến hiệu quả xã hội mang lại. 40 tỷ đồng mà phục vụ cả trăm ngàn khán giả vẫn “rẻ” hơn so với 15 tỷ đồng chỉ để vài trăm người xem.
Cũng cần thấy, tuy có khác biệt trong con số tuyệt đối, nhưng nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho đội bóng Đồng Nai ở V.League và hạng nhất hầu như không thay đổi, trong khi nguồn thu của CLB lại giảm mạnh do sự quá chênh lệch về sức hút thương hiệu của 2 giải đấu. Nếu ở V.League 2015, doanh thu từ bảng quảng cáo là gần 2 tỷ đồng, nguồn bán vé thu được lên tới hơn 1,6 tỷ đồng, thì cả 2 nguồn thu quan trọng này của đội hạng nhất ở mùa giải vừa qua hoàn toàn không đáng kể, đủ bù chi phí tổ chức đã là mừng. Chưa kể khoản hỗ trợ, chia cổ tức từ VPF mùa này cũng chắc chắn giảm mạnh.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở đây là mục tiêu và định hướng của đội bóng. Ông “bầu” CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức (Phó chủ tịch VFF) từng phát biểu: “Làm bóng đá mà không nghĩ đến thành tích, đến chức vô địch thì nuôi đội bóng làm gì, để tiền đó mà làm chuyện khác”. Quả vậy, dù không phải hơn 10 tỷ đồng mà chỉ vài tỷ đồng đầu tư cho đội bóng chỉ để trụ lại hạng nhất, cả năm phục vụ vài ngàn người xem, không có định hướng mục đích, lộ trình, bước đi cụ thể cũng là sự lãng phí trong bối cảnh tỉnh và bản thân ngành thể thao còn nhiều nhu cầu chi khác.
Trong quá trình thi đấu mùa giải vừa qua đã xuất hiện dư luận về sự cần thiết tồn tại hay không tồn tại của đội bóng chuyên nghiệp, và trước vòng play-off, lãnh đạo CLB cũng huỵch toẹt: Đồng Nai không có nhu cầu thăng hạng! Khó trách Ban huấn luyện, cầu thủ nhìn... lãnh đạo mà đá và họ đã “hoàn thành vừa đúng” chỉ tiêu tốp 4.
Từ thực tế mùa Giải hạng nhất 2016 cho thấy, Đồng Nai hoàn toàn đủ lực và có khả năng sớm quay trở lại bản đồ bóng đá đỉnh cao quốc gia nếu thực sự quyết tâm và có lộ trình phù hợp. Nhưng nếu không có nhu cầu, khát vọng thì cũng chẳng cần thiết phải duy trì đội bóng hạng nhất làm gì. Thay vào đó chấp nhận quay về chơi phong trào hạng nhì, hạng ba, để tập trung kinh phí đầu tư cho bóng đá trẻ và chờ... ngày đẹp trời nào đó có một “ông bầu”, doanh nghiệp chịu chơi xuất hiện.
Đông Kha