Dù 3 ngày nữa Olympic Rio 2016 mới chính thức kết thúc, nhưng đêm 17-8, đô vật Nguyễn Thị Lụa đã là VĐV Việt Nam cuối cùng thi đấu tại Brasil.
Dù 3 ngày nữa Olympic Rio 2016 mới chính thức kết thúc, nhưng đêm 17-8, đô vật Nguyễn Thị Lụa đã là VĐV Việt Nam cuối cùng thi đấu tại Brasil. Với số VĐV tham dự kỷ lục (23) cùng chiếc HCV lịch sử và 1 HCB bắn súng, đây là kỳ Thế vận hội thành công nhất của thể thao Việt Nam sau 64 năm, nếu tính từ Olympic 1952 tại Helsinki (Phần Lan) mà đoàn thể thao miền Nam lần đầu tiên xuất hiện; và 36 năm kể từ Moskva 1980, kỳ Olympic đầu tiên thể thao đất nước Việt Nam thống nhất chính thức trở lại.
Bộ Trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và các vận động viên tại lễ xuất quân dự Olympic 2016. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
Tính đến ngày thi đấu thứ 11, Việt Nam là một trong 48 đoàn giành được HCV trên tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt ở Olympic Rio, đồng thời đang xếp thứ 43. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan (hạng 27 với 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ). Đây là bước thăng tiến rất đáng kể so với 3 kỳ Olympic Sydney, Bắc Kinh và London.
Kinh phí đầu tư cho 23 VĐV dự Rio 2016 khoảng gần 50 tỷ đồng, riêng tiền ăn đã được nâng lên 800 ngàn đồng/ngày/VĐV. |
Tuy nhiên cần tỉnh táo và thẳng thắn nhìn nhận, làm nên thành công lịch sử đáng tự hào ấy chỉ là dấu ấn của một cá nhân. Nếu không có Hoàng Xuân Vinh, đoàn thể thao Việt Nam đã lại có một kỳ Olympic trắng tay. Hay nói cách khác, một mình Xuân Vinh đã “cứu” cả ngành thể thao. Tất cả những mục tiêu còn lại đều thất bại. Nên nhớ, không phải Xuân Vinh mà Thạch Kim Tuấn mới là niềm hy vọng giành huy chương lớn nhất, kế đến là Vương Thị Huyền, nhưng thành tích cả 2 tại Rio đều thấp hơn năng lực chính mình. Thất bại “tồi tệ” (từ của Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng) của cử tạ nói chung và Kim Tuấn nói riêng một lần nữa lại được lý giải là do tâm lý và sai lầm chiến thuật. Nhưng “sợi dây” kinh nghiệm này cứ rút hoài không hết, trong khi cử tạ là đội tuyển được đầu tư trọng điểm, tạo những điều kiện tốt nhất với chuyến tập huấn 80 ngày tại Mỹ trước khi lên đường. VĐV xuất sắc nhất Việt Nam 3 năm liền, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng không vượt qua được chính mình ở 2/3 nội dung tranh tài. Hoàng Quý Phước còn gây thất vọng hơn, đặc biệt nếu đặt bên cạnh Schooling, người đánh bại tượng đài Michael Phepls mang chiếc HCV bơi lội lịch sử đầu tiên cho Singapore, từng có xuất phát điểm như Quý Phước, thậm chí là bại tướng của Phước ở SEA Games 26 - 2011... Chính vì vậy, chẳng có gì để thỏa mãn mà ngành thể thao “ngủ quên” trên chiến thắng.
Đông Kha