Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy chương Olympic không chỉ là thể thao

10:08, 08/08/2016

Trong lịch sử 120 năm với 30 kỳ thế vận hội chỉ mới có 145 quốc gia và vùng lãnh thổ được vinh danh trên đỉnh Olympia, trong đó có Việt Nam với 1 HCV và 2 HCB.

 

Trong lịch sử 120 năm với 30 kỳ thế vận hội chỉ mới có 145 quốc gia và vùng lãnh thổ được vinh danh trên đỉnh Olympia, trong đó có Việt Nam với 1 HCV và 2 HCB.

Điều này có nghĩa, trong số 206 quốc gia, vùng lãnh thổ góp mặt tại Olympic 2016 có đến 61 nước chưa từng giành được huy chương. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy có một mối liên hệ đã trở thành quy luật giữa số huy chương tại các kỳ Olympic với các chỉ số phát triển của một quốc gia.

* Yếu tố môi trường

Ban đầu GDP hay tổng sản phẩm quốc nội của một nước được cho là có liên hệ trực tiếp tới thành tích trong thể thao, trừ một số môn đặc thù. Nhưng về sau này, người ta thấy rằng không chỉ GDP hay dân số đông mà góp phần tạo huy chương còn có các thành tố khác. Từ năm 1996, Tập đoàn tư vấn Goldman Sachs đưa ra chỉ số GSE (Growth Environment Score), nhấn mạnh tới tổng thể môi trường phát triển tạo thành tích tại Olympic. GES đánh giá các thành tố của “tổng thể môi trường chính trị, kinh tế, cơ chế có tác động đến sự phát triển của văn hóa thể thao, vốn con người và công nghệ” trong một quốc gia để suy ra thành tích thể thao. Môi trường gồm cả văn hóa, niềm ham mê chơi thể thao của người dân, hệ thống sân bãi và tập luyện. Đây là lý do giải thích cho việc luôn đứng đầu bảng huy chương các kỳ Olympic của các nước, như: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Australia, Bắc Âu.

Một số nước nghèo không hội tụ các yếu tố GES thì thành công nhờ “chuyển môi trường”, tức gửi VĐV sống và tập luyện luôn ở nước ngoài. Một số nước nhỏ lại chọn cách tập trung đầu tư vào một bộ môn thể thao mũi nhọn cùng những tính toán khoa học để mang lại sự thành công.

* Đầu tư thông minh

Do điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa-thể thao, VN chưa thể đầu tư rộng, đặt thể thao trong chiến lược phát triển chung để đạt chỉ số GES. Nên nếu muốn đạt thành tích Olympic cần có chiến lược đầu tư điểm như Trung Quốc từng làm, thay vì dàn trải đặt mục tiêu giành thật nhiều vé dự Olympic. Cách tự bào chữa rằng “đất nước còn nghèo” xem ra không thuyết phục, vì trong 20 năm qua, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trên 10 lần, từ 200 USD lên 2.200 USD. Tuy nhiên cùng thời gian, số HC Olympic của Việt Nam không hề tăng lên tương ứng. Trong khi đó, việc treo tiền thưởng đến cả hơn tỷ đồng cho một HCV chỉ là “phần ngọn”, không phải một sự đầu tư lâu dài từ gốc.

Thể thao hiện đại không chỉ là có sức mạnh cơ bắp mà là kết quả của đầu tư vào xây dựng đội tuyển theo các phương pháp khoa học mới nhất, khi mà chỉ có tiền không cũng không đủ. Còn nếu trông cậy vào tài năng tự nhiên bẩm sinh lại càng hoang đường. Đến bao giờ thể thao Việt Nam đến với Olympic bằng tham vọng chứ không chỉ là hy vọng chiến thắng?

Trần Đỗ

 

 

Tin xem nhiều