Báo Đồng Nai điện tử
En

HCV Olympic liệu có là cú hích cho thể thao Việt Nam?

10:08, 08/08/2016

Mọi người con nước Việt trên toàn thế giới nức lòng với chiếc HCV Olympic lịch sử của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận chiến tích phi thường này chỉ là trường hợp ngoại lệ, đến từ một ngày thi đấu xuất thần, mang tính cụ thể và thời điểm của Xuân Vinh.

Mọi người con nước Việt trên toàn thế giới nức lòng với chiếc HCV Olympic lịch sử của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận chiến tích phi thường này chỉ là trường hợp ngoại lệ, đến từ một ngày thi đấu xuất thần, mang tính cụ thể và thời điểm của Xuân Vinh. Ở đây, có rất ít dấu ấn của một chiến lược gắn với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế. Thực tế bắn súng nói riêng và cả thể thao Việt Nam vẫn chưa có gì đột phá, khác biệt sau 4 năm, từ Olympic London 2012 trắng tay trong sự so sánh giữa một Xuân Vinh mất HCĐ vì kém 0,1 điểm và một Xuân Vinh bắn ra viên đạn cuối phá kỷ lục Olympic.

  Hoàng Xuân Vinh chia sẻ niềm vui cùng HLV Nguyễn Thị Nhung sau khi đoạt HCV Olympic.
Hoàng Xuân Vinh chia sẻ niềm vui cùng HLV Nguyễn Thị Nhung sau khi đoạt HCV Olympic.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đất nước, thể thao vẫn dành được sự quan tâm đầu tư lớn. Nhưng 40 tỷ đồng cho cả một chiến dịch Olympic, dù đã tăng tới 30%, song vẫn chỉ bằng mức các nước ngay trong khu vực như Thái Lan đầu tư cho 2-3 niềm hy vọng giành huy chương tại Rio. Với riêng đội tuyển bắn súng, Xuân Vinh cùng các đồng đội cả chục năm nay vẫn phải tập bia giấy, bắn bia điện tử ở trường bắn đạt chuẩn quốc gia duy nhất của Trung tâm HLQG Hà Nội không chỉ đã xuống cấp, lạc hậu mà còn sai lệch so với mặt bằng chung quốc tế. Đội tuyển chỉ được cấp một số lượng súng, đạn bằng 1/5 các đồng nghiệp của Trung Quốc, và thua cả Lào, thậm chí còn không có cả cơ số ít ỏi đấy chỉ vì những khúc mắc về thủ tục. Một VĐV bắn súng chuyên nghiệp trung bình mỗi ngày bắn 2.000 viên đạn, nhưng là xạ thủ hàng đầu được “ưu tiên” Xuân Vinh cũng chỉ được phát 100-300 viên để tập luyện. Cá biệt gần 2 năm nay, khi nguồn đạn cạn kiệt vì ngành thể thao không tìm được nhà cung cấp, các xạ thủ hầu như “tập chay” triền miên (nâng súng lên, ngắm vào bia, rồi lại hạ xuống và...tưởng tượng vừa bắn xong vì súng hoàn toàn “rỗng”). Do là VĐV đã giành vé đến Olympic thuộc diện đầu tư trọng điểm, Xuân Vinh mới được đưa sang Incheon (Hàn Quốc) tập huấn. Nhưng 1, 2 tháng về nước/lần, anh lại phải đối mặt với việc không có đạn tập.

Người đứng đầu ngành thể thao - Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng thừa nhận: “VĐV nước ngoài khi tập luyện không phải nghĩ đến chuyện đạn dược, bắn cả ngàn viên cũng không sao. Tuy nhiên, chúng ta hạn chế về tài chính nên không thể thoải mái được như vậy, mặc dù sự quan tâm đầu tư của Nhà nước là không hề nhỏ”.

Kỳ tích của Xuân Vinh có thể là một cú hích về diện mạo, song liệu có tác động lớn đến nền tảng của môn bắn súng và cả nền thể thao? Từ nguồn cảm hứng lớn này, ngành thể thao có thể tận dụng, phát huy được gì, rút ra được những bài học gì, hay chỉ... vỗ tay hân hoan theo kiểu “cứ vui đã rồi tính tiếp” như nếp quen cũ.

Tường Nhi

 

Tin xem nhiều