Thật tiếc, không nhiều người hâm mộ Việt Nam được xem trận chung kết Giải U.16 Đông Nam Á 2016 vào tối thứ bảy vừa qua (chỉ có K+ mua sóng THTT từ Campuchia).
Thật tiếc, không nhiều người hâm mộ Việt Nam được xem trận chung kết Giải U.16 Đông Nam Á 2016 vào tối thứ bảy vừa qua (chỉ có K+ mua sóng THTT từ Campuchia). Các cầu thủ thiếu niên Việt Nam và Australia đã cống hiến một trận cầu đỉnh cao của bóng đá trẻ, tấn công mãn nhãn, không toan tính.
Gặp lại ứng cử viên số 1 của ngôi vô địch đã rút kinh nghiệm và quyết phục thù cú thua đau 0-3 ở vòng bảng không bao giờ là điều dễ dàng, thế nhưng các cầu thủ U.16 VN lại một lần nữa là người mở tỷ số, nhân đôi cách biệt và dẫn trước 3-1. Đáng nói cả 3 bàn thắng của các học trò HLV Đinh Thế Nam đều rất đẹp mắt và là những pha dàn xếp bài bản có chủ đích, ý đồ. 2 bàn đầu mang dấu ấn của cái tên duy nhất đến từ Bình Dương: Việt Cường (ở trận bán kết với Campuchia chỉ đóng vai dự bị cho Văn Đạt). Bàn mở tỷ số ở phút 36 là pha phối hợp qua chân 4 chiếc áo đỏ, trong đó Việt Cường có pha thả khe thông minh cho người đá cặp Khắc Khiêm loại bỏ hậu vệ Australia chuyền vào cho cầu thủ chạy cánh phải Huỳnh Sang đặt lòng nhẹ nhàng. Ở bàn nhân đôi cách biệt, đến lượt Khắc Khiêm đoạt bóng từ giữa sân chọc khe cho Việt Cường dứt điểm vào góc xa. Nhưng bàn thắng thứ 3 mới thực sự là mẫu mực. Từ pha cắt bóng của Quang Độ, Hữu Thắng thực hiện đường chuyền vượt tuyến bên phần sân nhà vào khoảng trống để Khắc Khiêm băng xuống tung ngay pha điểm chân trái vào góc xa. Một bàn thắng “điểm 10 cho chất lượng” của cả người chuyền lẫn người kết thúc. Lưới Australia còn có thể rung lên nhiều hơn nếu Khắc Khiêm xử lý tỉnh táo 2 pha đối mặt cầu môn.
Trong khi đó, cũng như cuộc lội ngược dòng trước U.16 Thái Lan ở bán kết, đội bóng trẻ xứ chuột túi quá may mắn ở giải đấu tại xứ chùa Tháp. Trong 3 bàn gỡ của họ thì một từ quả phạt đền (bóng chạm tay hậu vệ Ngọc Tiến trong tư thế té ngã), một từ pha hàng phòng ngự U.16 Việt Nam bị hút hết theo bóng và bàn quyết định là món quà biếu không của thủ môn Hữu Tuấn cho Roberts. Chỉ trong 3 ngày, U.16 Australia đều “chết đi sống lại” ở phút 90+1 để rồi đăng quang ngôi vô địch.
Tiếc cho U.16 Việt Nam, thực sự “cầm vàng mà để vàng rơi”. Tuy nhiên, thất bại trước cửa thiên đường này để lại rất nhiều bài học đầu đời bổ ích cho các cầu thủ trẻ và cả HLV Đinh Thế Nam. Lẽ ra sau khi dẫn 3-1 ở phút 77, U.16 Việt Nam phải được hiệu lệnh chơi chậm lại, kiểm soát bóng chắc chắn. Hay giá như Hữu Tuấn chọn phương án đấm bóng an toàn thay vì cố với bắt bóng trong pha lao ra. Nhưng “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, đó là một quyết định chỉ trong tích tắc, và Tuấn mới 16 tuổi và đây mới là trận chung kết quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp chỉ vừa mới bắt đầu. Rõ ràng các cầu thủ phải cải thiện về khâu thể lực, cũng như sự tập trung trong những thời khắc quan trọng. Nhưng quỹ thời gian của họ còn cả phía trước.
Rất nhiều những tiếc nuối và giọt nước mắt trên sân Olympic ở thủ đô Phnom Penh tối 23-7, nhưng không có gì phải buồn. Trái lại phải vui mừng, sau trận chung kết với U.16 Australia chúng ta có thể khẳng định bóng đá Việt Nam đang thực sự sở hữu một lứa cầu thủ trẻ mới tài năng, hoàn toàn đủ sức hoàn thành giấc mơ vàng SEA Games sau đây 6 năm nếu được chăm bón, đầu tư bằng những chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, được cọ xát thi đấu nhiều hơn (với bóng đá trẻ ít nhất cần phải 30 trận/năm). U.16 Việt Nam hiện tại có thể thua kém về độ khéo léo, tinh xảo trong kỹ thuật so với U.19 của Học viện HAGL Arsenal, nhưng các yếu tố tốc độ, sức mạnh, tư duy chiến thuật và sự tinh quái thì hơn hẳn (nên nhớ các em vẫn kém lứa Công Phượng, Tuấn Anh khi “ra ràng” đến 3 tuổi).
Thua Australia ở giải đấu Đông Nam Á mà lại tốt, bởi mục tiêu chính là Giải vô địch U.16 châu Á vào tháng 9 tới tại Ấn Độ, nơi mà thầy trò HLV Đinh Thế Nam sẽ gặp lại U.16 Australia - với lực lượng đầy đủ và mạnh nhất, để cạnh tranh suất vé thứ 2 vào tứ kết cùng U.16 Nhật Bản. Thất bại để không chủ quan mà phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu hơn.
Đông Kha