Xuất phát từ sự yêu quý Hữu Thắng và sự thân thiện, chủ động tiếp cận, cởi mở với cánh báo chí - điều khác hẳn với các đời HLV ngoại mà gần nhất là ông thầy người Nhật Miura, mới chỉ qua vài buổi tập mà tân HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam được giới truyền thông "ca" bằng những lời có cánh.
Xuất phát từ sự yêu quý Hữu Thắng và sự thân thiện, chủ động tiếp cận, cởi mở với cánh báo chí - điều khác hẳn với các đời HLV ngoại mà gần nhất là ông thầy người Nhật Miura, mới chỉ qua vài buổi tập mà tân HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam được giới truyền thông “ca” bằng những lời có cánh.
HLV Hữu Thắng. |
Từ bầu không khí tập luyện vui vẻ, thoải mái (hẳn nhiên rồi khi thầy trò cùng ngôn ngữ, quá hiểu nhau), bố trí các cầu thủ trẻ HAGL đá cạnh nhau trong bài tập chia đôi đội hình (nhưng chắc gì đã trọng dụng khi đá thật?), đến việc giảm hẳn cường độ tập từ 1 tiếng rưỡi dưới thời Miura xuống còn 1 tiếng (có phải là hay khi ai cũng phải thừa nhận chính những bài tập nặng của ông Miura đã cải thiện yếu tố thể lực cho đội tuyển Việt Nam). Hay việc yêu cầu các cầu thủ đá 2 chạm, bài tập bình thường của bất kỳ HLV nào, nhưng lại được nhắc đến cứ như là “phát kiến” của Hữu Thắng. Các phóng viên (thường được cử trực “bám” đội tuyển là những người trẻ) còn tìm cả những yếu tố phi chuyên môn để ca ngợi, như: Hữu Thắng có mối quan hệ xã hội rất rộng, ông tuyên bố cửa phòng luôn rộng mở để các cầu thủ đến “tâm sự”...
Có thể hiểu được sự khao khát của truyền thông Việt khi rất muốn có hình ảnh “thần tượng” của một HLV nội như Kiatisuk của Thái Lan. Nhưng bóng đá là thành tích, không có một thế hệ tuyển thủ mới tài năng giành chức vô địch AFF Cup, HCV 2 kỳ SEA Games liên tiếp, vào bán kết Asiad, Kiatisuk cũng sẽ chẳng là gì. Hữu Thắng cần giữ đôi chân của mình trên mặt đất, nếu thất bại thì chính những người “bốc thơm” hôm nay sẽ vùi ông xuống bùn đen. Bài học HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc là nhỡn tiền.
Chưa nói xa xôi, HLV Hữu Thắng đã “mất điểm” đầu tiên khi phát biểu bênh vực học trò Văn Quyết và cho rằng việc VFF quyết định gạch tên cầu thủ này làm “suy yếu đội tuyển” của ông đã lập tức bị các đồng nghiệp đàn anh, như: Lê Thụy Hải, Nguyễn Văn Vinh... đồng loạt phản ứng. Hơn nữa điều này lại đi ngược với tuyên bố của chính ông trong ngày nhậm chức là “xây dựng đội tuyển dựa trên sức mạnh tập thể chứ không vào bất cứ ngôi sao nào”? Không như ở CLB, làm HLV đội tuyển quốc gia, nhất là bóng đá, nói năng không phải chuyện đùa. Đây là bài học đầu tiên cho ông thầy xứ Nghệ. Không phải vô cớ mà các “tướng” ngoại kiệm lời phát ngôn với báo chí, cũng như luôn giữ khoảng cách nhất định, không buông tuồng dễ dãi, nuông chìu quân.
Đông Kha