Báo Đồng Nai điện tử
En

VFF có đoàn kết bao giờ mà mất?

11:01, 24/01/2016

Buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Bính Thân do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức lẽ ra là dịp vui vẻ, ngồi lại "ôn cố tri tân" để đôi bên thông cảm, chia sẻ, hướng tới cùng nhau nhìn về một hướng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam (BĐVN); thì lại trở thành cuộc đăng đàn, cuối năm "vạch áo cho người xem lưng" của các lãnh đạo VFF.

Buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Bính Thân do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức lẽ ra là dịp vui vẻ, ngồi lại “ôn cố tri tân” để đôi bên thông cảm, chia sẻ, hướng tới cùng nhau nhìn về một hướng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam (BĐVN); thì lại trở thành cuộc đăng đàn, cuối năm “vạch áo cho người xem lưng” của các lãnh đạo VFF.

Sau khi “quăng bom” tại Hội nghị tổng kết 2015 của ngành thể thao, “tố” VFF có sự lạm quyền,  như một công ty TNHH... 2 thành viên (ý Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn thao túng hết), các ủy viên BCH chỉ là “nghị gật”; Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ trần tình với báo chí rằng: ông được giao phụ trách truyền thông và đối ngoại nhưng “bị người khác lộng quyền, ôm hết phần việc, bị tước nhiều quyền cơ bản”, phụ trách truyền thông VFF nhưng luôn bị bưng bít thông tin (như không hề hay biết việc sa thải HLV đội tuyển nữ Takashi). Ông “giận”: “Đến lễ ra mắt AFC sau đại hội VFF, tôi cũng phải ở nhà. Anh Trần Quốc Tuấn tiếp đoàn Nhật Bản ngay ở trụ sở VFF, tôi không được biết trong khi tôi là phụ trách truyền thông và đối ngoại. Tôi hỏi anh Tuấn thì anh ấy trả lời: “Chủ tịch phân công tôi thì sao phải báo cáo anh”. Và ức: “Không phải anh Tuấn cứ giỏi tiếng Anh hơn tôi thì làm hết mọi chuyện đối ngoại. Có phiên dịch... tôi làm cũng được”(!).

Nghe quả cám cảnh cho người nguyên là đồng nghiệp (ông Gụ từng là phóng viên ảnh) và phó chủ tịch Hiệp hội... thể thao dưới nước!).

Nhưng sự phản bác của ông Trần Anh Tú, một trong 5 thành viên Thường trực VFF (Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.Hồ Chí Minh) cũng không phải không có lý: “Anh Gụ là thành viên (còn là lãnh đạo - PV) của VFF, khi họp BCH lấy ý kiến tất cả rồi mới thông qua. Tại sao anh Gụ không trình bày, không nêu ý kiến? Như thế là không đúng, không xây dựng. Anh Gụ chưa đóng góp được gì, nếu là người có tâm thì phải hành động cụ thể để xây dựng VFF tốt lên chứ không phải là mang chuyện đi bêu xấu với thiên hạ...”. Cũng thật lạ, thay vì thông thường các liên đoàn đòi được tự chủ, độc lập thì ông Phó chủ tịch truyền thông, đối ngoại VFF lại đề nghị Nhà nước (Tổng cục TDTT) hãy quản lý chặt chẽ chúng tôi(!?).

“Vạch áo cho người xem lưng” như thế nhưng lãnh đạo VFF vẫn  khẳng định nội bộ “có đoàn kết”. Để dẫn chứng, ông Gụ kể: “Anh Dũng ốm, tôi đến bệnh viện thăm rồi... ôm nhau” (hic!). Nhưng chỉ nội việc ông và Chủ tịch Lê Hùng Dũng không gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp mà chỉ nhắn tin cho nhau đã cho thấy cái sự “bằng mặt mà không bằng lòng”, khó nói trong nội bộ thường trực VFF. Cũng chính ông Gụ trong một trả lời phỏng vấn mới đây tiết lộ “chuyện thành viên VFF phát biểu không tốt về nhau đã là chuyện thường ngày”. Vâng, VFF có đoàn kết bao giờ đâu mà bảo mất.

Tuy nhiên, trong tất cả câu chuyện “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại” chưa có hồi kết này, có một điều mà ông Gụ nói đúng là: “Hình ảnh của VFF hiện nay xuống rất thấp”, ông Tú lại càng đúng: “Qua những câu chuyện vừa qua, hình ảnh của VFF càng quá tệ”.

Còn dư luận thì... quá oải!

Đông Kha

 

 

 

Tin xem nhiều