Các vận động viên điền kinh Nga có thể bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế, bao gồm Olympic 2016, sau khi Cơ quan chống doping thế giới (WADA) hôm 9/11 cáo buộc đã xảy ra tình trạng "sử dụng doping có hệ thống."
Các vận động viên điền kinh Nga có thể bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế, bao gồm Olympic 2016, sau khi Cơ quan chống doping thế giới (WADA) hôm 9/11 cáo buộc đã xảy ra tình trạng "sử dụng doping có hệ thống."
Vận động viên điền kinh Nga, nhà vô địch Olympic 800 mét nữ Mariya Savinova. (Nguồn: PA) |
Theo hãng tin Reuters, WADA cũng cáo buộc Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) bất lực và nhắm mắt làm ngơ trước những vụ sử dụng doping của điền kinh Nga. Có thời điểm, phòng thí nghiệm chống doping của WADA ở Moskva đã hủy 1.417 mẫu thử ngay trước khi chúng được mang đi xét nghiệm trong khuôn khổ một cuộc điều tra.
Dick Pound, Chủ nhiệm Ủy ban đã thực hiện báo cáo và là cựu Chủ tịch WADA, cho rằng vụ việc này với giới điền kinh cũng ngang vụ bê bối đang diễn ra ở FIFA với bóng đá.
Báo cáo của ông đề nghị cấm thi đấu suốt đời 5 vận động viên, 4 huấn luyện viên và 1 bác sỹ người Nga. Trong danh sách có nhà vô địch Olympic 800 mét nữ Mariya Savinova và người đang giữ huy chương đồng Ekaterina Poistogova.
Tuy nhiên, chỉ IAAF mới có quyền cấm các vận động viên Nga thi đấu. Trong khi đó, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko nói rằng không có bằng chứng cụ thể trong các cáo buộc mới nhắm vào Liên đoàn Điền kinh Nga (ARAF) và những mẫu xét nghiệm trước kia đã bị hủy theo yêu cầu của WADA.
Nga đứng thứ 2 sau Mỹ ở các nội dung điền kinh tại Olympic 2012, với 17 huy chương, bao gồm 8 huy chương vàng, và luôn là một cường quốc hàng đầu trong các môn trên đường chạy và sân cát.
Chủ tịch IAAF Sebastian Coe cho biết ông "sốc" vì những tiết lộ mới này, vài ngày sau khi cựu Chủ tịch IAAF Lamine Diack bị IAAF cáo buộc che giấu vi phạm doping của các vận động viên Nga.
Theo ông, hạn chót để Nga trả lời là hết tuần này và Hội đồng IAAF sẽ cân nhắc các lệnh cấm có thể. Theo ông Coe, IAAF đã xét nghiệm hơn 5.000 vận động viên từ năm 2009, cho thấy tổ chức này đang nỗ lực tối đa để làm điền kinh trong sạch hơn.
Thể thao được xem là một lĩnh vực rất dễ dính tiêu cực. Cách đây 15 năm, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã rơi vào một cuộc bê bối lớn, khi môn cricket và xe đạp cũng đầy vết nhơ về doping, dàn xếp tỉ số… hay mới nhất là những lùm xùm ở FIFA.
Các chuyên gia giải thích rằng tiền tài trợ đổ vào thể thao ngày càng nhiều những thập kỷ qua trong khi các liên đoàn thiếu những định chế quản trị và giám sát hiệu quả đã dẫn tới nguy cơ tiêu cực tăng cao.