Một trong những chức năng quan trọng ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là kinh doanh, kiếm tiền từ bóng đá để tái đầu tư, nuôi lại bóng đá và chia lãi cho các cổ đông (các CLB).
Một trong những chức năng quan trọng ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là kinh doanh, kiếm tiền từ bóng đá để tái đầu tư, nuôi lại bóng đá và chia lãi cho các cổ đông (các CLB). Với những con số tài chính được công bố tại cuộc họp HĐQT VPF mới đây thì thật phấn khởi. Theo đó mùa giải 2015, 22 CLB chuyên nghiệp được VPF “hỗ trợ kinh phí” tổng cộng gần 15 tỷ đồng (VPF hứa hẹn năm 2016 sẽ là 22,8 tỷ đồng, tăng hơn 49,12%). Trong đó, 14 đội V.League được nhận 11 tỷ 550 triệu đồng, bình quân 825 triệu đồng/CLB; còn 8 đội hạng nhất là 3 tỷ 379 triệu, bình quân 422 triệu đồng/đội. Tất nhiên con số này không cào bằng mà căn cứ vào thành tích, thứ hạng trong giải. Được biết như Đồng Nai dù đứng chót giải phải xuống hạng, nhưng cũng được “hỗ trợ” khoảng 680 triệu đồng (mùa 2014 là 300 triệu).
Cứ cho đây là khoản lãi được chia từ cổ tức (mỗi cổ đông CLB V.League đóng góp 3,9% cổ phần, tương đương 1 tỷ 170 triệu đồng) thì VPF kinh doanh quá tuyệt hảo, khi lãi suất bình quân mà mỗi cổ đông CLB được chia lên tới 58,11%/năm, gấp 8 lần lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện tại (!?). Nghe qua thì ghê gớm, có điều đó chỉ là “bánh vẽ”, tiền trên giấy. Bởi chỉ riêng khoản “lệ phí tham dự giải”, mỗi đội V.League đã phải đóng 500 triệu đồng, số còn lại sau khi thống kê khấu trừ hàng chục khoản phạt kinh phí, đến tay các đội thực nhận chẳng còn bao nhiêu. Như năm ngoái CLB Hải Phòng được “hỗ trợ” tới 850 triệu đồng, nhưng sau khi trừ mọi khoản số tiền còn lại được nhận là... 13 triệu đồng (!), trong đó có những khoản phạt, như: thẻ vàng, thẻ đỏ mà các CLB cho rằng “án chồng án” khi bị trừ đến 3 lần. Năm nay nghe đâu con số “hỗ trợ” của VPF cho Đồng Nai cũng vừa đủ để... nộp phạt.
Một chi tiết đáng chú ý khác, HĐQT VPF cho biết dự thu bản quyền truyền hình của V.League 2016 là 30 tỷ đồng, nhưng lại bằng đúng chi phí bỏ ra mua sóng quảng cáo của truyền hình cho các nhà tài trợ (trong khi trước đây AVG từng đề nghị mua bản quyền truyền hình với giá 10 tỷ đồng/mùa và tăng thêm mỗi năm 10%, đây là số tiền lãi ròng, được hưởng trọn). Như vậy là đến mùa giải thứ 5 được trao quyền điều hành, tổ chức, VPF vẫn không bán được bản quyền truyền hình - vốn là nguồn thu chính của bóng đá - một đồng nào, chỉ có nhà đài “ăn” hết.
Đông Kha