Còn đến 4 tháng nữa Giải hạng nhất 2016 mới bắt đầu (khởi tranh vào ngày 9-4-2016, muộn hơn V.League 1 tháng 20 ngày, và kết thúc vào ngày 20-8).
Còn đến 4 tháng nữa Giải hạng nhất 2016 mới bắt đầu (khởi tranh vào ngày 9-4-2016, muộn hơn V.League 1 tháng 20 ngày, và kết thúc vào ngày 20-8). Sau khi CLB Hà Nội giành suất lên V.League và CAND xuống hạng nhì, theo kế hoạch giải sẽ tăng thêm 2 đội thành 10 CLB tham dự, gồm 6 đội góp mặt ở giải 2015, theo thứ tự thành tích mùa rồi là: Huế, TP.Hồ Chí Minh, Nam Định, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Phước; 3 đội từ hạng nhì lên: Viettel, XMFC Tây Ninh và Bình Định (thế chỗ Cà Mau giải thể); cùng đội rớt hạng từ V.League: Đồng Nai (ĐN).
Kể từ mùa giải 2014 mà Đồng Tháp, S.Khánh Hòa và Cần Thơ thăng hạng, tính cạnh tranh ở Giải hạng nhất hầu như không còn. Mùa rồi dù chỉ có vỏn vẹn 8 đội tham gia nhưng hết 7 trong số đó chỉ đặt mục tiêu trụ hạng vì “tiền đâu mà lên V.League” (!). Tình hình mùa giải mới 2016 cho thấy cũng không có dấu hiệu khá hơn. Huế, Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk, Nam Định hiện không tồn tại CLB chuyên nghiệp, chỉ là đội bóng trực thuộc ngành thể thao địa phương như thời bao cấp, bóng đá chưa lên chuyên. Thậm chí Huế (từng 2 lần góp mặt ở giải vô địch quốc gia) sau khi vô địch lượt đi đã chủ động tự ngãng ra, nhường suất lên hạng cho người khác cũng vì lý do “đầu tiên”. Trong 3 đội hạng nhì vừa lên thì Tây Ninh thừa khát vọng nhưng luôn thiếu lực, chưa bao giờ vươn tới top 5 trong 6 mùa chơi ở hạng nhất, trong khi đã 2 lần liên tiếp gần đây rớt hạng; còn Bình Định chỉ là kẻ đóng thế, quá khứ vàng son đã là dĩ vãng và cũng chưa có tham vọng tìm lại.
Chỉ có 2 đội đặt quyết tâm là TP.Hồ Chí Minh và đặc biệt là tân binh Viettel. Theo lộ trình vạch ra cách đây 3 năm, năm 2016 TP.Hồ Chí Minh sẽ lên V.League, nhưng với những gì thể hiện ở VCK U.21 quốc gia trên sân nhà vừa qua, xem ra thầy trò HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương vẫn chưa đủ chín. Thực sự có tiềm lực nhất là Viettel. Là đội bóng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội năm 2014 có doanh thu 10 tỷ USD, Viettel đặt mục tiêu 2 năm thăng 2 hạng liên tiếp, trở lại sân chơi cao nhất để phục hưng thương hiệu Thể Công (một trung tâm huấn luyện hơn 20 hécta mang tầm quốc tế trị giá lên đến trên 400 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng tại Thạch Thất, Hà Nội). Tuy nhiên, có thể cản trở cho tham vọng của đội bóng này là dàn cầu thủ còn khá non kinh nghiệm chinh chiến, khi chủ yếu là các cầu thủ từng giành hạng 3 giải U.19 quốc gia 2 năm liên tiếp (có 6 cầu thủ trong thành phần đội tuyển U.19 Việt Nam vừa giành vé vào VCK châu Á 2016).
Trong bối cảnh, cục diện như vậy, cuộc cạnh tranh giành suất thăng hạng ở giải hạng nhất không quá khốc liệt như trước đây. Với sự từng trải 3 mùa ở V.League, nếu quyết tâm, đầu tư việc ĐN trở lại sân chơi cao nhất ngay mùa giải 2017 không phải là nhiệm vụ bất khả thi và lần này phải là đường hoàng lên bằng cửa chính. Đã thi đấu thể thao phải hướng đến thành tích cao nhất, nhưng vấn đề là lên để làm gì? Đã giải cơn khát, 3 năm nếm mùi V.League, ĐN không việc gì phải nôn nóng, áp lực thăng hạng, khi chưa có nền tảng vững chắc từ con người, lực lượng đến cơ chế, năng lực tài chính... và hướng đi phát triển bền vững.
Đông Kha