Đó là câu hỏi được rất nhiều người hâm mộ trong tỉnh thắc mắc trong suốt hơn 1 tháng qua kể từ khi đội nhà xuống hạng, đặc biệt gần đây trên mạng xã hội khi dồn dập những thông tin lực lượng Đồng Nai (ĐN) đang "tan đàn xẻ nghé". Nhưng cớ sao phải đặt câu hỏi ấy về một chuyện hầu như là đương nhiên?
Đó là câu hỏi được rất nhiều người hâm mộ trong tỉnh thắc mắc trong suốt hơn 1 tháng qua kể từ khi đội nhà xuống hạng, đặc biệt gần đây trên mạng xã hội khi dồn dập những thông tin lực lượng Đồng Nai (ĐN) đang “tan đàn xẻ nghé”. Nhưng cớ sao phải đặt câu hỏi ấy về một chuyện hầu như là đương nhiên?
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, BĐ là môn thể thao đầu tiên có quyết định thành lập đội tuyển và từ năm 1976 ĐN là 1 trong 9 đội bóng đầu tiên của miền Nam tham dự giải Cửu Long (ngoài 4 đội ở TP.Hồ Chí Minh chỉ có 5 đội tỉnh là Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang và ĐN). Từ dấu mốc lịch sử ấy, suốt 39 năm qua dù có lúc thăng trầm, thịnh suy, nhưng chưa bao giờ BĐĐN không có đội đại biểu tham gia các hạng đấu quốc gia. Vậy sao phải băn khoăn duy trì hay không duy trì đội bóng?
Còn nhớ sau 3 lần vào VCK thất bại, cuối tháng 8-2004 khi ĐN giành vé thăng hạng nhất tại VCK ở Bình Định, các cầu thủ như “vinh quy bái tổ”, được tổ chức đón rước từ Trảng Bom về Văn miếu Trấn Biên báo công. Sao giờ hạng nhất lại bị “rẻ rúng”? Đúng, việc rớt hạng ở V.League 2015 là một cú “sốc”, nhưng chẳng phải thảm họa. Đến Cảng SG, Thể Công, Hải Phòng, Thanh Hóa trong quá khứ cũng từng rớt hạng, huống hồ ĐN thực tế chưa đủ lực để lên sân chơi cao nhất này nếu không có chiếc vé vớt ở mùa giải 2013, và chính vì vậy chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế, cũng như những điều kiện cần thiết (nguồn lực, cơ chế, tài chính...), nên việc trở lại sân chơi đúng tầm hơn là điều không chóng thì chầy. Trong bối cảnh ấy việc trụ lại được ở V.League 3 mùa liên tiếp, trong đó 2 mùa đầu đều về hạng 7, thậm chí từng là hiện tượng “tân binh”, trước khi chịu rớt hạng bởi những sai lầm chiến lược và cả những yếu tố phi chuyên môn (chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác) chứ không thuần túy năng lực, đã là thành tích đáng tự hào. Do đó, làm gì phải bi kịch hóa đến mức... “tồn tại hay không tồn tại” (!).
***
ĐN không phải là đội bóng của một “ông bầu” như XTSG, V.Ninh Bình để tàn cuộc vui thì nghỉ. Là một tỉnh lớn, một trong 18 cổ đông sáng lập VPF với 3,9% cổ phần, thành viên của VFF, ĐN cũng không thể xử sự thiếu trách nhiệm như Kiên Giang, An Giang. Tuy nhiên, do chưa có quyết định chính thức nào về định hướng, số phận đội bóng sau hơn 1 tháng rưỡi V.League 2015 kết thúc, đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng. “Tôi muốn ở lại cống hiến cho ĐN, nhưng kể từ ngày xuống hạng chưa hề nghe thấy lãnh đạo đề cập đến tương lai đội bóng. Vì thế, tôi phải tự lo cho mình” - thủ môn, tuyển thủ quốc gia Thanh Diệp cho biết về quyết định bồi thường 2 tháng lương để ra đi, đầu quân cho XSKT Cần Thơ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương từng cho biết, sau dự định giải thể đội bóng ở đầu mùa năm nay vì không có kinh phí, ông đã nhận được rất nhiều ưu tư, bức xúc của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Trong đó một người hâm mộ gửi tin nhắn trực tiếp đến điện thoại của Chủ tịch tỉnh với nội dung: “Đội bóng là của nhân dân Đồng Tháp chứ không phải của riêng ai mà muốn giữ thì giữ, bỏ thì bỏ”. Ngay sáng hôm sau, ông Dương triệu tập cuộc họp với các ngành liên quan để tìm biện pháp bằng mọi giá phải giữ đội bóng Đồng Tháp. |
Được biết, trong tuần này UBND tỉnh sẽ có cuộc họp bàn về tương lai của CLB bóng đá ĐN. Việc tiếp tục duy trì đội bóng tham gia giải hạng nhất 2016 có lẽ là điều hầu như không phải bàn cãi (nếu BĐĐN không muốn bị đánh xuống hạng 3, giải đấu phong trào ở mùa giải 2017); vấn đề là cần phải tính toán lại lộ trình, mục tiêu phù hợp. Cần thiết phải duy trì tên tuổi, vị trí trên bản đồ BĐ quốc gia, đáp ứng nhu cầu tinh thần, niềm tự hào địa phương của cán bộ, nhân dân trong tỉnh; nhưng chỉ và chỉ chừng nào có đủ nguồn lực, cơ chế tài chính... và V.League không còn là “cái túi không đáy”, nơi “tiền đấu tiền” thì ĐN hẵng đặt mục tiêu trở lại sân chơi cao nhất.
Minh Chung