Lâu nay chúng ta đều thừa nhận bóng đá Việt Nam (BĐVN) và Thái Lan có khoảng cách chênh lệch, nhưng chưa ai định lượng được cụ thể khoảng cách ấy là bao nhiêu.
Lâu nay chúng ta đều thừa nhận bóng đá Việt Nam (BĐVN) và Thái Lan có khoảng cách chênh lệch, nhưng chưa ai định lượng được cụ thể khoảng cách ấy là bao nhiêu.
Tỷ số 0-3 và cục diện trận đấu trên sân Mỹ Đình tối 13-10 có lẽ phần nào phản ánh chính xác đẳng cấp, trình độ của 2 đội tuyển (ĐT).
Ý tưởng không rõ ràng
HLV Miura khẳng định ông không sai trong cách tiếp cận trận đấu, mà biện giải các cầu thủ đã không thực hiện đúng chỉ đạo. Tuy nhiên, khác hẳn với thái độ rõ ràng, dứt khoát trước Iraq, đã có một sự lưỡng lự, ngập ngừng trong lựa chọn giữa tấn công hay phòng thủ trước người Thái. Thể hiện cho sự thiếu dứt khoát này là việc tổ chức hàng thủ 3 người và vai trò “lửng lơ” của Mai Tiến Thành. Nếu đây là “vũ khí” bất ngờ của ông Miura dành cho Kiatisuk thì nó đã phá sản hoàn toàn khi nhiệm vụ chính của tiền vệ trái B.Bình Dương không rõ là hỗ trợ phòng ngự hay tấn công, còn hệ thống phòng ngự của ĐTVN thì hầu như loạn cả lên, không xác định được phương hướng. Tiến Duy đầu tiên xuất phát ở vị trí hậu vệ trái, rồi có lúc chuyển hẳn sang phải để Thanh Hiền dâng lên và cuối cùng lại trở về trung vệ (Đinh Tiến Thành dạt biên trái). Hậu vệ Than QN đã chơi rất cố gắng, nhưng với một cầu thủ mới chỉ được ra sân thường xuyên vào cuối mùa V.League vừa qua và đây mới là trận thứ 2 khoác áo ĐT, yêu cầu “đa năng” ấy là quá sức. Trong phòng ngự, tuyến 2 ĐTVN cũng không thực hiện được lối chơi áp sát vì các cầu thủ Thái Lan có khả năng che chắn, cầm bóng quá tốt và được hiệu lệnh chơi nhanh, đơn giản 1 chạm chắc chắn. Một sai lầm nữa là các cầu thủ quá dồn chú ý vào 2 mũi nhọn Chanathip và Dangda, trong khi trận này “Messi Jay” chỉ đóng vai trò cầu nối còn Dangda được Kiatisuk sử dụng như “chim mồi”.
Trong tấn công, ĐTVN cũng rất thiếu ý tưởng, hầu như không có pha triển khai lên bóng hay đường chuyền sáng nước nào và trên lý thuyết là chơi với 3 mũi nhọn thường trực trước hàng hậu vệ 3 người của Thái, nhưng thực tế luôn có rất ít các chiếc áo đỏ trong vùng cấm đối phương, trong khi các cầu thủ Thái Lan cho thấy đã nghiên cứu rất kỹ và hoàn toàn bắt bài Công Vinh, Văn Quyết. Rất dễ nhận ra là đội trưởng, hậu vệ trái số 3 Bunmathan lên rất cao, có mặt trên phần sân VN còn nhiều hơn sân nhà, thậm chí còn đảm nhận cả những quả đá phạt góc bên cánh phải (chính anh là người xuất hiện trong vùng cấm dứt điểm ấn định tỉ số), nhưng ĐTVN lại không sao biết cách khai thác, khoét vào khoảng trống này. Tại sao không là Trọng Hoàng? Nếu có mặt, với lối chơi giàu sức mạnh, tốc độ, Hoàng “bò” chí ít sẽ buộc Bunmathan không dám thường xuyên dâng cao, qua đó hạn chế sức mạnh tấn công bên hành lang trái của Thái Lan (hướng tấn công chủ yếu ở trận này), chưa kể sự hiểu ý với Công Vinh như bàn thắng mang về trước Iraq.
Thái Lan quá hay
Thái Lan đang sở hữu một thế hệ cầu thủ mới hết sức tài năng và đồng đều, còn HLV Kiatisuk có công mang đến một lối chơi rất hiện đại nhưng phù hợp với tố chất người Thái, với khả năng tấn công đa dạng, biến hóa và hiệu quả: khoét biên, đánh trung lộ, sút xa đều tốt. Đỉnh cao về đẳng cấp trong màn trình diễn của đội bóng xứ chùa Vàng là bàn thắng ấn định tỷ số 3-0. Ở pha dàn xếp này, sau khi đoạt bóng từ cú ném biên của Đinh Tiến Thành, các cầu thủ Thái Lan đã thực hiện cả thảy 14 đường chuyền liên tục với sự tham gia của 7 chiếc áo xanh để phát triển bóng từ cánh phải sang trái và kết thúc bằng một loạt pha bật nhả phức tạp ở trung lộ. Tất cả diễn ra trong vòng 25 giây và đúng hệt như bài tập đá bóng ma một chạm trong phạm vi hẹp với những cái tên mà HLV Kiatisuk đã cho thực hiện 2 ngày trước đó.
Cũng trái ngược với VN, ý tưởng của ĐT Thái Lan là rất rõ ràng, nhất quán; không chỉ trong lối chơi chung toàn trận mà còn thể hiện mạch lạc trong từng đợt tấn công, từng pha lên bóng, từng đường chuyền, dứt điểm. Tất cả đều có ý đồ, chủ đích.
Trước một đối thủ thua kém toàn diện như thế, trách cứ HLV Miura và các học trò cũng bằng thừa. Sức cầu thủ, tài ông Miura chỉ đến thế. Chỉ buồn sau tròn 20 năm, trải qua 15 đời HLV nội, ngoại và 6 nhiệm kỳ VFF, khoảng cách giữa BĐVN và Thái Lan dường như lại trở về vạch xuất phát ở Chieng Mai 1995.
Minh Chung