Quan chức người Thụy Sĩ có nguy cơ phải tạm dừng điều hành FIFA để Ủy ban Đạo đức điều tra thêm về khoản tiền hai triệu đôla ông từng trả cho Chủ tịch UEFA Michel Platini
Các thành viên của Ủy ban Đạo đức của FIFA đã đề nghị mức xử phạt tạm thời đối với Sepp Blatter, sau khi Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ bắt đầu tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với vị quan chức bóng đá 79 tuổi.
Sepp Blatter bị cáo buộc đã ký một hợp đồng "bất lợi" đối với FIFA, và thực hiện một “khoản thanh toán không trung thực" cho Michel Platini – đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
Vụ chi trả hai triệu đôla khiến Blatter và Platini bị nghi ngờ nằm trong cùng một liên minh ma quỷ, thao túng FIFA. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Blatter mới đây phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Ông giải thích số tiền hai triệu đôla đưa cho Michel Platini vào năm 2011 là "thù lao phù hợp và không có gì hơn". Còn các luật sư của ông thì cho biết rằng ông "chưa được thông báo về bất kỳ hình thức xử lý tạm thời nào".
Platini, người muốn kế nhiệm Blatter làm tân chủ tịch FIFA, cũng tuyên bố rằng hai triệu đôla mà ông đã nhận là “khoản thu nhập hoàn toàn hợp lệ” cho khoảng thời gian ông từng làm việc dưới quyền của Blatter cách đây hơn chín năm.
Ban điều tra của Ủy ban tư cách Đạo đức FIFA đã yêu cầu thời gian đình chỉ công việc tạm thời đối với Blatter, và quyết định cuối cùng về việc này nhiều khả năng sẽ được ban ra hôm nay 8/10. Hans Joachim Eckhert, Trưởng ban xét xử của Ủy ban Đạo đức, sẽ là người quyết định có đình chỉ công việc của Blatter trong 90 ngày hay không.
Trước đó, hôm thứ tư 7/10, Blatter trả lời một tạp chí của Đức rằng "ông đã bị lên án mà không có bất kỳ bằng chứng nào về việc làm sai trái".
Blatter sẽ chính thức từ chức Chủ tịch FIFA vào đầu năm 2016, khi một cuộc bỏ phiếu bầu ra người kế nhiệm được tiến hành. Platini từng được các liên đoàn thành viên công khai ủng hộ ngồi vào ghế nóng ở FIFA. Nhưng không lâu sau chính quan chức người Pháp này cũng bị điều tra vì liên quan tới các khoản chi trả thiếu minh bạch của tổ chức lãnh đạo bóng đá thế giới.
Một ứng viên sáng giá khác là Chung Mong-joon, cựu phó chủ tịch FIFA, cũng đang trong quá trình điều tra của Ủy ban Đạo đức FIFA. Tỷ phú người Hàn Quốc này tố cáo lại rằng chiến dịch vận động tranh cử chức chủ tịch FIFA của ông đã bị “bôi bẩn”, bị “phá hoại”. Chung Mong-joon thậm chí còn nhận xét rằng FIFA là một tổ chức còn tồi tệ hơn cả các băng đảng mafia, vì các quan chức cao cấp đều là những kẻ dối trá, hai mặt và bị quyền lực cũng như tiền bạc làm cho mờ mắt.
Chung Mong-joon sẽ ra ứng cử Chủ tịch FIFA trong lần bầu cử sắp tới. Khẩu hiệu tranh cử của ông là "Đổi thay với Chung". Ảnh: EPA. |
Điều đó cho thấy FIFA đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn, bởi dường như tất cả những quan chức hàng đầu của tổ chức này đều dính líu không nhiều thì ít tới gian lận tài chính.
Blatter tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp hôm 29/5, nhưng chỉ ít ngày sau đó đã phải công bố sẽ từ chức vì bê bối tham nhũng của các quan chức FIFA. Ông dự kiến sẽ chính thức kết thúc sớm nhiệm kỳ của mình tại Đại hội bất thường của FIFA vào ngày 26/2/2016, cũng là ngày các đại biểu FIFA bầu cử người lãnh đạo mới. Blatter là Chủ tịch FIFA suốt từ năm 1998.
Theo VnExpress