Không phải bây giờ, mà trong suốt 20 năm qua đã có rất nhiều phân tích về sự hạn chế, thua kém của bóng đá Việt Nam so với Thái Lan.
Không phải bây giờ, mà trong suốt 20 năm qua đã có rất nhiều phân tích về sự hạn chế, thua kém của bóng đá Việt Nam so với Thái Lan.
Từ thể chất đến kỹ, chiến thuật, công tác đào tạo và giờ đây là chất lượng giải vô địch quốc gia (Thai Premier League có đến 18 CLB, được Toyota tài trợ cao gần gấp 6 lần; tiền bản quyền truyền hình thu triệu USD, còn V.League chỉ có 14 đội mà luôn bấp bênh, còn bản quyền truyền hình gần như là con số 0)... Nhưng có một yếu tố rất quan trọng mà ít người thấy hoặc đề cập, đó là các cầu thủ chúng ta thua về cái đầu, thua trong tư duy chơi bóng.
Bóng đá Việt Nam vẫn thua Thái Lan về trình độ chuyên môn. |
Đá bóng không chỉ sử dụng đôi chân mà còn cái đầu. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những giáo viên thể dục cũng dễ dàng nhận biết trong bóng đá học đường, những học sinh giỏi dù thể lực, tầm vóc, năng khiếu bẩm sinh có thể không bằng, nhưng cách chơi bóng sẽ khác hẳn với các học sinh trung bình hoặc học lực yếu. Sự khác biệt ở đây là khả năng quan sát, “đọc” trận đấu, di chuyển, chạy chỗ không bóng, chọn vị trí mà bóng đá chuyên nghiệp gọi là tư duy, nhãn quan chiến thuật. Chúng tôi không nói các cầu thủ Thái Lan học giỏi hơn, có học vấn cao hơn giới “quần đùi áo số” Việt Nam, nhưng nếu đo các chỉ số thông minh, từ IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh), EQ (Emotional Quotient - trí thông minh cảm xúc), đến SQ (Social Quotient - thông minh xã hội) hay CQ (Creative Intelligence - trí thông minh sáng tạo)..., chắc chắn đội hình tuyển Thái vượt hơn. Điều này không có gì tự ái khi xuất phát từ thực tế chênh lệch giữa một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người gần 5.779 USD với một đất nước chỉ hơn 1.910 USD (dữ liệu mới nhất của Ngân hàng thế giới đến ngày 16-10-2015).[links(right)]
Không chỉ thất bại nặng nề 0-3 tại Mỹ Đình mới đây mà quan sát tất cả những lần đối đầu trong quá khứ, người ta phải thừa nhận các cầu thủ Thái Lan chơi bóng thông minh hơn Việt Nam. Sự thông minh ấy được thể hiện qua việc vận dụng, triển khai chiến thuật, xử lý tình huống, ra quyết định (chuyền bóng hoặc dứt điểm) tinh tế, đúng thời điểm. Sự khác biệt làm nên một đội bóng lớn là tính nhịp điệu trong lối chơi. Không ào ào, hùng hục (như U.23 Việt Nam trước Myanmar ở bán kết SEA Games vừa qua) mà biết lúc nhanh lúc chậm, khi khoan khi nhặt. Nhưng có thông minh mới điều tiết, áp đặt được nhịp độ lối chơi theo ý mình. Để thấy một đội bóng đẳng cấp như thế nào, bạn đừng theo dõi quả bóng mà hãy quan sát cách di chuyển của các vị trí không bóng trên sân. Khi các cầu thủ Thái thực hiện một đường chuyền cự ly trung bình hoặc dài thường luôn nhằm ý đồ phát triển, mở ra một hướng tấn công mới có chủ đích và tính toán đến 2, 3 pha bóng kế tiếp sau đó bằng sự chủ động chiếm lĩnh không gian của các vệ tinh. Còn ta hầu như chỉ đơn giản là đồng đội ở vị trí đó đang trống. Không chỉ liên quan đến tư duy chiến thuật, có thông minh mới có khả năng chơi sáng tạo, gây đột biến (hãy thống kê sự lợi hại, nguy hiểm của Thái Lan trong những đường chuyền cuối cùng, trong khi Việt Nam luôn có sai số rất lớn).
Chính vì đá bằng “cái đầu” nên HLV Kiatsuk đâu dựa vào những cầu thủ cao to. Tiền vệ Kroekrit, người ghi 1,5 bàn thắng vào lưới Việt Nam tối 13-10 (“nửa” bàn thắng từ pha căng ngang khiến Tiến Thành đá phản lưới nhà) chỉ cao 1m62; đội trưởng, hậu vệ trái Bunmathan, tác giả bàn ấn định tỷ số 3-0, cao 1,71m; tiền vệ trung tâm Sarach Yooyen 1,68m; còn “Messi Jay” Chanathip là người “lùn” nhất trên sân: chỉ 1,58m...
Chân không ngoan đầu không khôn, thua cả đôi chân lẫn cái đầu thì việc Việt Nam thua Thái Lan là điều quá dễ hiểu. Chừng nào chưa giải quyết bài toán san lấp khoảng cách này thì có mời HLV số 1 thế giới, bóng đá Việt Nam cũng không thể vượt qua người Thái.
Minh Chung