Sau cuộc họp HĐQT chiều qua 28-10, chiếc ghế Tổng giám đốc (TGĐ) công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đã đổi chủ: ông Phạm Ngọc Viễn (65 tuổi) lùi vào hậu trường làm phó chủ tịch và "tư vấn" cho TGĐ mới Cao Văn Chóng - nguyên TGĐ Công ty cổ phần thể thao Bình Dương.
Sau cuộc họp HĐQT chiều qua 28-10, chiếc ghế Tổng giám đốc (TGĐ) công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đã đổi chủ: ông Phạm Ngọc Viễn (65 tuổi) lùi vào hậu trường làm phó chủ tịch và “tư vấn” cho TGĐ mới Cao Văn Chóng - nguyên TGĐ Công ty cổ phần thể thao Bình Dương.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. |
Như vậy là sau cú “đứt gánh” của “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên, rồi sự ra đi lần lượt của 2 phó chủ tịch khác là ông Lê Hùng Dũng (nhận chức Chủ tịch VFF, nhường suất ghế lại cho cấp phó của mình là ông Trần Quốc Tuấn) và ông Đoàn Nguyên Đức (làm Phó chủ tịch VFF) và bây giờ là CEO Phạm Ngọc Viễn; trong “ngũ trụ” sáng lập, lãnh đạo ban đầu của VPF giờ còn độc ông Võ Quốc Thắng chơ vơ trên đỉnh.
Còn nhớ 4 năm trước, “bầu” Thắng từng tâm sự, với sự thuyết phục hết lời của “bầu” Kiên, ông đã mất cả một đêm suy nghĩ mới nhận lời ngồi ghế Chủ tịch VPF, với điều kiện 2 đồng nghiệp doanh nhân Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức phải làm phó chủ tịch. Ngờ đâu mới 4 năm mà “vật đổi sao dời”, giờ thì tất cả những người bạn cùng tâm huyết, chí hướng, từng “xúi” ông làm, bỏ ông một mình ở lại trên chiếc ghế mà ngay từ đầu và cho đến hiện tại chẳng mấy thiết tha (dù cũng có chút khoái vì hư danh). Sự cô đơn của vị Chủ tịch và VPF mất dần vai trò, cùng định hướng tốt đẹp ban đầu của mình, tất cả bắt đầu từ cú “gãy cờ” của Kiên “bạc” - cha đẻ, đồng thời là người duy nhất có khả năng “to mồm”, át vía VFF và “phe bảo thủ”. Kế đến là sự “thay phe” của ông Lê Hùng Dũng khi phải “thở bằng lỗ mũi” của người đứng đầu VFF; còn người bạn “bầu” Đức thì chỉ giỏi kinh doanh chứ không phải “mưu sĩ chính trị” giải quyết những vấn đề trong hành lang, hậu trường. Bản thân cái khí chất chỉn chu, hiền lành, có phần thư sinh, nho nhã cũng là hạn chế của ông Thắng trong vai trò người đứng đầu số 1 (thì ông cũng biết thế nên mới ra điều kiện chỉ làm chủ tịch khi có “bầu” Kiên và “bầu” Đức đứng sau).
Thế là “giậu đổ, bìm leo”!
Biểu hiện bất lực đầu tiên của Chủ tịch Võ Quốc Thắng là im lặng để cho Ban Tư vấn đạo đức tự giải tán - dù chính ông là người hết lòng ủng hộ nó ra đời, bởi vấp phải những ý kiến không bằng lòng từ chính nội bộ VPF chứ không chỉ VFF. Tiếp đó là sự kết thúc “không kèn không trống”, thậm chí không một bản báo cáo tổng kết để lại của vị Trưởng giải V.League người Nhật do chính ông thuyết phục mời sang. Điều này có liên quan đến sự biến ở Đại hội cổ đông VPF cuối năm 2014 khi Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn được cử thay ông Lê Hùng Dũng làm Phó chủ tịch VPF, với tư cách đại diện cổ đông VFF. 2 diễn biến tiếp theo tại đại hội này mới đáng chú ý: chiếc ghế Trưởng BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp 2015 được trao cho ông Nguyễn Minh Ngọc, nguyên Trưởng phòng Tổ chức thi đấu của VFF, được cho là “người của ông Tuấn” và VPF ra nghị quyết ông Phạm Ngọc Viễn sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc (lẽ ra ông Viễn - người được coi là nhà lý luận chiến lược của bóng đá Việt Nam, cha đẻ của đề án BĐ chuyên nghiệp - đã phải nghỉ từ sau giai đoạn 1 V.League 2015, nhưng vì chưa tìm được người thay và có lẽ VFF không muốn mang tiếng “tiếm quyền” quá lộ liễu).
Bây giờ thì người ta dấn thêm một bước nữa. Không phải vô cớ mà tại hội nghị tổng kết mùa giải 2015 cách đây mới đúng 1 tháng, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng lại lôi Phó TGĐ Phạm Phú Hòa ra chỉ trích “nhận tiền tỷ” mà không làm được việc. Đó là động thái “dọn đường” để một nhân vật nữa của VFF (và cũng được cho là “người” của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn) sang ngồi vào chiếc ghế Phó tổng giám đốc VPF: Phó tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu. Ông Phạm Phú Hòa từng sát cánh nhiều năm cùng “bầu” Thắng chèo chống CLB ĐTLA, đồng thời còn có quan hệ gia đình, nên ông Thắng “há miệng mắc quai”, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, nguyên Phó ban Tư vấn đạo đức từng nhận xét: ông Võ Quốc Thắng quá cô độc trên chiếc ghế của mình trong ngôi nhà VPF, giờ thì cả 2 cánh tay cũng bị chặt đứt nốt. Khổ thân cho vị Chủ tịch Đồng Tâm và Kienlongbank là cứ phải ngồi đó.
Minh Chung