Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyển Việt Nam: Đâu là bản sắc?

11:09, 09/09/2015

Các đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) dưới thời HLV Toshiya Miura rất khó "bắt bài" bởi gần như... chẳng có bài nào rõ rệt để bắt.

Các đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) dưới thời HLV Toshiya Miura rất khó “bắt bài” bởi gần như... chẳng có bài nào rõ rệt để bắt.

Phi Sơn (20) ghi bàn giúp Việt Nam thắng trận nhưng đó là bàn thắng may mắn khi hậu vệ Đài Loan luống cuống ở tình huống cản phá. Ảnh: T.L
Phi Sơn (20) ghi bàn giúp Việt Nam thắng trận nhưng đó là bàn thắng may mắn khi hậu vệ Đài Loan luống cuống ở tình huống cản phá. Ảnh: T.L

Nếu HLV người Áo A.Riedl trước đây được giới chuyên môn đánh giá rất cao về những miếng đánh biên đa dạng, sắc sảo; còn ông Calisto xây dựng lối chơi phòng ngự phản công cực kỳ khó chịu, cùng lối chơi đan bóng đoạn ngắn được coi là phù hợp với tố chất kỹ thuật và thể hình của cầu thủ VN (được trợ lý Phan Thanh Hùng rất ngưỡng mộ và áp dụng vào HN T&T), thì thật khó nhận ra bản sắc của ĐTVN dưới bàn tay thuyền trưởng người Nhật. Bóng đá suy cho cùng là kết quả nên sự thực dụng, thay đổi trước từng đối thủ là cần thiết, nhưng trình độ cầu thủ VN (thậm chí cả châu Á) không đủ để mỗi trận thi đấu với một đội hình, một lối chơi khác nhau.

Trong trận cầu phải thắng trước một Đài Loan suốt 2 năm qua chỉ thắng mỗi Brunei, thua cả Guam, Campuchia, nhưng ĐTVN không hề cho thấy đâu là miếng đánh chủ đạo, ngoài những pha phát dài lên tuyến trên cho cặp tiền đạo Công Vinh, Văn Quyết mặc tình xử lý từ...thủ môn Nguyên Mạnh. Chính đội tuyển hạng 179 thế giới, kém VN 27 bậc, trong hiệp đấu đầu tiên mới là đội chơi sáng sủa, mạch lạc, có bài miếng hơn. 2 bàn thắng của ĐTVN đến từ sự may mắn và tỏa sáng đúng lúc của một cá nhân. Bàn đầu là pha phạt góc của Thành Lương, Công Vinh dù không cao nhưng đón điểm rơi chính xác, lao vào dũng mãnh đánh đầu bật cột dọc gần, bóng đến đúng chân trung vệ Tiến Thành chực sẵn trước cầu môn. Còn bàn quyết định ở phút 90+2 cũng lại Công Vinh có đường chuyền như dọn cỗ, nhưng pha đẩy bóng vào khung thành bỏ ngỏ (thủ môn Đài Loan đã xuất tướng vì ngỡ Công Vinh sẽ sút) của Phi Sơn là bàn thắng “rùa”.

Không thể nói sự thiếu nhuần nhuyễn, liên kết trong lối chơi của ĐTVN là do chỉ có 4 ngày tập luyện, bởi như chính HLV Miura cho biết, sau hơn 1 năm làm việc ông đã xây dựng được lối chơi ổn định mà các cầu thủ đã quen thuộc. Nhưng “lối chơi ổn định” đó là gì thì nhiều người có thể không nhận thấy. Sự hạn chế về khả năng tấn công của ĐTVN hiện nằm ở cặp tiền vệ trung tâm. Nếu không chấn thương hay có vấn đề về sức khỏe thì Hoàng Thịnh và Huy Hùng là sự lựa chọn số 1 của ông thầy người Nhật. Bộ đôi này đã chơi rất ấn tượng tại AFF Cup 2014 trước khi gãy đổ hoàn toàn ở trận bán kết lượt về với Malaysia tại Mỹ Đình. Vấn đề là Hùng - Thịnh có lối chơi quá giống nhau, cả 2 đều là tiền vệ đánh chặn, luôn có xu hướng lùi sâu che chắn, hỗ trợ phòng ngự (đó cũng là nhiệm vụ được giao của họ ở CLB SLNA và Quảng Nam), chứ không phải mẫu tiền vệ chơi thiên về kỹ thuật, có khả năng cầm bóng, sáng tạo, cùng những đường chuyền theo kiểu một phát ăn ngay như “bộ đôi hoàn hảo” Minh Phương - Tài Em ngày nào. Chính vì thế, người ta luôn thấy một khoảng trống mênh mông ở trung lộ sau lưng cặp tiền đạo. Hầu hết những đường bóng bật ra từ tuyến phòng ngự đều đến chân các chiếc áo xanh Đài Loan và đối phương chỉ cần khóa 2 tiền vệ cánh là lối chơi của ĐTVN tắc tị. Không phải bóng đá VN hiện tại không có những tiền vệ tấn công sáng tạo, Đinh Thanh Trung là một ví dụ, dù ở Quảng Nam anh chơi tiền vệ phải nhưng vốn vị trí sở trường là một số 10 hộ công (số áo ấy ở ĐT trận rồi được trao cho Văn Quyết, nhưng thực sự tiền vệ của HN T&T chơi như số 9 rưỡi). Một câu hỏi khác không kém quan trọng: ai là nhạc trưởng, dẫn dắt lối chơi ở ĐTVN của ông Miura?

ĐTVN đã có 3 điểm đầu tiên tại vòng loại World Cup 2018 và Asian Cup 2019, nhưng lấy vũ khí gì để ghi bàn (chứ đừng nói chiến thắng) vào lưới Iraq và Thái Lan?

Đông Kha

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều