Một bài viết trên Báo Đồng Nai từng ví bóng đá Việt Nam mang sơ đồ hình... người mẫu. Theo người viết cấu trúc của hệ thống các giải vô địch quốc gia của Việt Nam hiện nay lại giống như.... một củ khoai tây cắm trên những chiếc que tăm.
Một bài viết trên Báo Đồng Nai từng ví bóng đá Việt Nam mang sơ đồ hình... người mẫu. Theo người viết cấu trúc của hệ thống các giải vô địch quốc gia của Việt Nam hiện nay lại giống như.... một củ khoai tây cắm trên những chiếc que tăm. Bóng đá hay thể thao nói chung phát triển theo hình kim tự tháp, càng ở dưới càng rộng lớn và càng lên trên càng nhỏ lại. Nhưng giải đấu đỉnh cao V.League với 14 CLB đang đứng trên một đôi chân quá teo tóp: Giải hạng nhất năm thứ 3 liên tiếp chỉ có 8 đội. Giải hạng ba năm ngoái chỉ có 6 CLB, hạng nhì là 14, hạng nhất là 8. Mặt trái của việc giải hạng nhất chỉ có 8 CLB là không thể tạo ra được tính cạnh tranh từ việc có từ 2-3 đội lên, xuống hạng mỗi mùa.
Một trận đấu giao hữu quốc tế giữa Việt Nam (trái) và CLB Man City. |
Hơn 10 năm trước, chương trình Tầm nhìn châu Á của AFC khi tới với Việt Nam đã giới thiệu về cấu trúc của một hệ thống giải vô địch quốc gia. Lấy ví dụ, Thai League có 18 CLB, còn giải hạng nhất Thái Lan có 20 đội và ở giải thấp hơn có đến 83 đội được chia ra làm 6 vùng. Hay xa hơn giải Ngoại hạng Anh có 20 CLB thì ở ba hạng thấp hơn đều có 24 CLB. Bóng đá Đức có 18 CLB, ở Bundesliga và hạng nhất, còn hạng nhì có 20 CLB và ở cấp thấp hơn có 88 CLB chia làm 5 khu vực. Còn cấu trúc của bóng đá Tây Ban Nha là 20-22-80 (chia làm 4 nhóm).
Nhưng lỗi này không chỉ từ phía VFF qua nhiều nhiệm kỳ mà còn là vấn đề của các CLB.
Ở một nền bóng đá phát triển tham dự các đội hạng nhất thường là chính đội trẻ hay đội B của CLB đang chơi ở giải ngoại hạng chứ không chỉ là những CLB độc lập có tham vọng lên hạng mà chưa đủ khả năng. Nhưng khi một CLB giàu tiềm lực và làm bóng đá bài bản như HAGL còn bỏ tới 2 giải trẻ năm nay là U.19 và U.17 thì thật khó để có thể chờ đợi họ có một đội HAGL B chơi ở giải hạng nhất. Có 2 rào cản khiến cho các CLB không tập trung vào phát triển hệ thống đào tạo trẻ, là: tài chính và chính tâm lý “ăn xổi” của các ông bầu. Ở lý do thứ nhất có thể dẫn chứng, nhiều CLB luôn kêu ca các cầu thủ trẻ của họ thiếu trận đấu để cọ xát, nhưng khi VFF đề xuất tổ chức một số giải trẻ chơi theo thể thức lượt đi lượt về thì nhiều CLB lại ngại ngùng vì quá tốn kém, kinh phí đâu tham dự. Còn lý do thứ hai tâm lý “ăn xổi” của các ông bầu, có thể dẫn chứng hàng loạt CLB từ V.Ninh Bình, XTSG, Navibank SG... và thậm chí phần nào đó cả nhà đương kim vô địch B.BD.
Với nền tảng và cấu trúc bất hợp lý như thế, liệu cái đỉnh của đỉnh là các đội tuyển quốc gia có thể ngoi lên khỏi mặt bằng khu vực để vươn ra châu lục?
Phạm Tấn