Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu... Man City

11:07, 29/07/2015

Chuyến thăm của Arsenal 2 năm trước khiến tình yêu bóng đá của người Việt được toàn thế giới biết đến với sự kiện "Running man" Vũ Xuân Tiến được lan tỏa, chia sẻ trên mạng xã hội toàn cầu.

Chuyến thăm của Arsenal 2 năm trước khiến tình yêu bóng đá của người Việt được toàn thế giới biết đến với sự kiện “Running man” Vũ Xuân Tiến được lan tỏa, chia sẻ trên mạng xã hội toàn cầu. Còn hậu Man City, BĐVN cũng nổi tiếng trên truyền thông quốc tế nhưng... theo chiều ngược lại. Đó là câu chuyện về hình ảnh sân Mỹ Đình còn rất nhiều ghế trống vì giá vé đắt, nhưng có CĐV sẵn sàng đốt 10 tấm vé đáng giá 3 tháng lương (chẳng biết thiệt hay giả?) vì “ghét cái thái độ” thiếu thân thiện, “chảnh” của các ngôi sao triệu phú đến từ xứ sở sương mù...Nhưng em gái xấu hổ, muốn độn thổ nhất là khi đọc những lời chê bai, mỉa mai của báo chí Anh về phần nghi lễ trước trận đấu.

Thực ra không phải đợi đến truyền thông nước ngoài lên tiếng mà tất cả những khán giả trong nước xem trận đấu này đều khó chịu, bởi sự rườm rà, lắm lời của BTC. Những ngôi sao từng dự Olympic, World Cup, Euro, Champions League, như: Silva, Joe Hart, Kolarov... hẳn ngạc nhiên lắm khi không hiểu vì lý do gì mình phải đứng xếp hàng trên sân (đúng 15 phút) trong thời tiết nóng bức mùa hè của Hà Nội để nghe nói, nói và... nói (không có phiên dịch). “Chủ tịch của ngân hàng nào đó ở VN làm một bài giảng rất dài. Các cầu thủ đã đứng trên sân rất lâu rồi, thế mà thật không tin nổi, trận đấu vẫn chưa bắt đầu và có lẽ phải rất lâu nữa. Bây giờ thì đến lượt một quan chức khác của bóng đá VN bắt đầu nói” (tường thuật trực tuyến của BBC). Hình như thích nói đã là căn bệnh thâm căn cố đế của người mình. Một trận đá banh giao hữu thôi mà có cần thiết phải long trọng... đại như... hội nghị. Nghe “bầu” Hiển tiết lộ (để biện minh) mà càng xấu hổ, bài phát biểu của Tổng giám đốc BSH chỉ được Man City “duyệt” cho 2 phút (nhưng trong đó 2/3 đã là “kính thưa”, “kính chúc” và... “gửi lời thăm hỏi... nhân ngày Thương binh liệt sĩ (!?), còn của ngài chủ tịch VFF là 1 phút (để mần chi nhỉ?). “Made in Việt Nam”, hễ là nhà tài trợ thì phải được “quyền” phát biểu (nhất là khi có truyền hình trực tiếp). Nhưng người ta quên rằng, chính việc làm “hoãn cái sự sung sướng” của gần 40 ngàn con người trên sân và hàng triệu khán giả xem truyền hình lại gây nên sự bực mình, phát ghét đối với thương hiệu.

Do khác biệt văn hóa, nhiều khi sự trọng thị quá đáng lại gây nên phản cảm, khó chịu nơi các vị khách (như thói quen gắp đồ ăn bỏ vào chén ép ăn để thể hiện sự mến khách). Và trọng thị cũng phải đặt đúng nơi đúng chỗ, như màn giới thiệu đại biểu ở các trận đấu có lẽ duy nhất trên trái đất chỉ có ở xứ ta, bởi trừ trường hợp đặc biệt (như trao cúp), lãnh đạo có đến sân là để coi đá banh chứ đâu phải để... chỉ đạo mà cần giới thiệu đại biểu.

Em gái hâm mộ

 

 

Tin xem nhiều