Báo Đồng Nai điện tử
En

Lý Hoàng Nam - Giờ mới là bắt đầu

12:04, 23/04/2015

Với 2 cú đúp vô địch đôi nam và đơn nam liên tiếp tại giải quần vợt trẻ quốc tế 25th Sarawak Chief Minister's Cup (Nhóm 1) ở Malaysia và Asian Closed Junior Championships 2015 ở Ấn Độ, Lý Hoàng Nam đã nhảy vọt 18 bậc trên bảng xếp hạng ITF từ hạng 32 lên 14 trẻ thế giới, đứng thứ 5 châu Á.

Với 2 cú đúp vô địch đôi nam và đơn nam liên tiếp tại giải quần vợt trẻ quốc tế 25th Sarawak Chief Minister’s Cup (Nhóm 1) ở Malaysia và Asian Closed Junior Championships 2015 ở Ấn Độ, Lý Hoàng Nam đã nhảy vọt 18 bậc trên bảng xếp hạng ITF từ hạng 32 lên 14 trẻ thế giới, đứng thứ 5 châu Á. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tay vợt Việt Nam vươn tới thứ hạng này, là niềm tự hào không chỉ của cá nhân Hoàng Nam, đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương mà còn của cả làng banh nỉ quốc gia.

Thành công này trước tiên đến từ nỗ lực vươn lên của bản thân tay vợt 18 tuổi. Không như những tài năng quần vợt khác, xuất phát điểm của Hoàng Nam hầu như là con số 0. Từ cậu bé 9 tuổi ở tỉnh lẻ Tây Ninh đến với tennis ngẫu nhiên từ những lần theo cha đến sân xem các chú, các anh chơi tennis, rồi xin vào lượm banh để thỏa cơn ghiền và có điều kiện học lóm, Lý Hoàng Nam đã lập nên hàng loạt kỷ lục của quần vợt Việt Nam. Nhà vô địch quốc gia trẻ nhất trong lịch sử (năm 2012, khi mới 15 tuổi 8 tháng), VĐV đầu tiên giành HCV Asiad trẻ, tay vợt đầu tiên lọt vào tốp 50 trẻ thế giới (hạng 49, tháng 3-2014), đại diện đầu tiên góp mặt ở giải trẻ Pháp mở rộng 2014 và vào vòng 2 của Australian Open trẻ 2015.

Trong những tiến bộ mạnh mẽ gần đây của Hoàng Nam có vai trò quan trọng của HLV Brydniak Christian. Chuyên gia người Thụy Điển đã giúp anh cải thiện rõ rệt những nhược điểm về thể lực, khả năng giao bóng, chiến thuật cũng như tâm lý thi đấu. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là nếu không có tầm nhìn và sự đầu tư gần như vô điều kiện của Becamex sẽ không có một Lý Hoàng Nam như bây giờ. Hàng năm đơn vị này bỏ ra cho Hoàng Nam khoảng 200 ngàn USD chi phí cho các chuyến tập huấn, thi đấu hàng chục giải ở nước ngoài (chỉ tính vé máy bay đi châu Âu hay Mỹ đã là 2 ngàn USD, tiền khách sạn 200 USD/ngày, chưa kể tiền ăn uống đi lại...). Riêng khoản kinh phí để thuê HLV Brydniak cũng khoảng 5 ngàn USD/tháng, lương của Hoàng Nam là 30 triệu đồng/tháng...

Không nghi ngờ gì nữa, Lý Hoàng Nam cho thấy tiềm năng đặc biệt. Nhưng cũng như bất cứ tài năng trẻ nào, mọi bước đi cần có lộ trình, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn và dư luận cũng không nên tung hô, kỳ vọng quá sớm. Như việc Hoàng Nam đăng quang ở giải đấu tại Ấn Độ vừa qua, nhiều người cho rằng anh đã là tay vợt trẻ số 1 châu Á. Thực tế có tới 7 tay vợt đứng vị trí cao hơn Hoàng Nam trên bảng xếp hạng trẻ ITF trước giải, trong đó có 4 VĐV trong tốp 10 thế giới đã không có mặt. Và cần biết rằng, trong làng quần vợt thế giới có khoảng cách rất lớn về trình độ và đẳng cấp giữa bảng xếp hạng ITF (dành riêng cho các tay vợt trẻ) và ATP, giữa tốp 10 với phần còn lại trong tốp 50 thế giới.

Thực tế dù hạng 14 ITF, nhưng trên bảng xếp hạng ATP tay vợt số 1 Việt Nam chỉ đứng thứ 1.440, vào loại xuất phát điểm thấp nhất thế giới và mục tiêu được vạch ra là trong 5 năm tới mới lọt vào tốp 200 của ATP. Rõ ràng con đường từ một tài năng trẻ để trở thành một tay vợt chuyên nghiệp thế giới của Hoàng Nam vẫn còn rất xa, chông gai và... vô cùng tốn kém. Sang năm 2016, ở tuổi 19 Hoàng Nam không còn cơ hội thi đấu ở các giải trẻ mà sẽ  chính thức bước vào thi đấu chuyên nghiệp. Do đó, mục tiêu từ đây đến cuối năm của Hoàng Nam sẽ là các giải trẻ danh giá thế giới: Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng và tham gia các giải thuộc hệ thống thi đấu Men’s Future (cấp thấp nhất của hệ thống thi đấu chuyên nghiệp nhưng cao hơn các giải trẻ) để tích lũy điểm. Đặc biệt, SEA Games 28 vào tháng 6 tới sẽ là thước đo chính xác trình độ của tay vợt số 1 Việt Nam với các đối thủ chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực, trước khi nghĩ đến tầm châu Á, thế giới.

Trần Đỗ

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích