Nếu thống kê, con số huy chương và những vinh quang mà các VĐV nữ mang về cho Tổ quốc tại đấu trường quốc tế kể từ khi bắt đầu hội nhập cho đến nay chắc chắn hơn hẳn những đồng nghiệp nam.
Nếu thống kê, con số huy chương và những vinh quang mà các VĐV nữ mang về cho Tổ quốc tại đấu trường quốc tế kể từ khi bắt đầu hội nhập cho đến nay chắc chắn hơn hẳn những đồng nghiệp nam. Không chỉ trong buổi đầu mà kể cả bước vào giai đoạn nâng cao, tấn công vào các môn Olympic hiện nay, “lấy nữ làm chủ công” vẫn là mục tiêu, thế mạnh của thể thao Việt Nam (TTVN).
Nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương (trái) cùng đồng đội. Ảnh: T.L |
Chiếc HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử do chính một nữ võ sĩ taekwondo mang về tại Sydney 2000: Trần Hiếu Ngân. Một trong 2 HCB Á vận hội đầu tiên giành được tại Asiad Hiroshima 1994 cũng thuộc về một cô gái: nữ võ sĩ karatedo Phạm Hồng Hà. Cứu tinh tránh cho TTVN một kết cục thất bại nặng nề, trắng vàng ở cả 2 kỳ Asiad gần đây cũng đều là VĐV nữ: Lê Bích Phương (karatedo) ở Asiad Quảng Châu 2010 và Dương Thúy Vi (wushu) Asiad Incheon 2014. Ngoài chiếc HCV duy nhất, tại Asiad 17 vừa qua có đến 7/10 số HCB và 13/25 HCĐ thuộc về các chủ nhân nữ. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi gương mặt VĐV xuất sắc nhất Việt Nam 2 năm liên tiếp gần đây đều thuộc về nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Cùng với Ánh Viên, trong danh sách bình chọn 10 VĐV tiêu biểu, nữ giới chiếm đến 7 vị trí.
Còn có thể dẫn ra hàng loạt những nữ VĐV tiêu biểu, niềm tự hào của TTVN qua các thời kỳ lịch sử: Nguyễn Thị Đông (bắn súng), Vũ Thị Bích Hường (điền kinh) giành HC SEA Games, châu lục khi mang trên vai gánh nặng làm mẹ; nữ hoàng tốc độ Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương; nữ hoàng cự ly trung bình Phạm Đình Khánh Đoan, nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa... và hiện tại là những Phan Thị Hà Thanh (TDDC); Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo); Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh)... Với Đồng Nai, chiếc HCĐ taekwondo tại SEA Games 17 ở Indonesia năm 1997 của Đỗ Thị Thảo đến giờ vẫn là một trong các thành tích quốc tế giá trị nhất.
Minh chứng rõ rệt nhất cho sự hơn hẳn của nữ giới là bóng đá, môn thể thao vua từng được coi chỉ dành cho nam giới. Nếu bóng đá nam VN bắt đầu trở lại đấu trường khu vực từ năm 1991 tại Philippines, trải qua 12 kỳ SEA Games chưa từng biết đến HCV, chỉ giành được 5 HCB và 1 HCĐ; thì bóng đá nữ dù chỉ mới xuất hiện ở SEA Games 1997, nhưng qua 7 lần tham dự đã đoạt đến 4 ngôi vô địch, cùng 2 lần á quân và 1 HCĐ.
Để đeo đuổi sự nghiệp, TT chuyên nghiệp, các nữ VĐV phải đánh đổi, hy sinh không ít; từ làn da, sắc vóc, nhiều khi cả hạnh phúc riêng tư. TTVN chịu ơn và mắc nợ rất nhiều với nữ giới!
Đông Kha