Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tin trở lại

10:12, 01/12/2014

Ấn tượng về những màn trình diễn nghèo nàn trong suốt 2 năm trước đó khiến người xem có phần hoài nghi và khắt khe khi đánh giá 2 trận khởi đầu AFF Cup 2014 của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN).

Ấn tượng về những màn trình diễn nghèo nàn trong suốt 2 năm trước đó khiến người xem có phần hoài nghi và khắt khe khi đánh giá 2 trận khởi đầu AFF Cup 2014 của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN). Thực ra đó là 2 trận đấu mà chúng ta đã chơi tốt. Với Indonesia, nếu không có 2 sai lầm cá nhân và tận dụng được phân nửa số cơ hội thôi (tung ra tới 23 cú sút trong khi Indo chỉ là 5), đội quân của ông Miura đã có một chiến thắng đậm không kém Philippines. Còn trước Lào, bất kỳ một HLV nào cũng có thể nói với bạn, hoàn toàn không dễ dàng trước một đối phương chơi với 11 cầu thủ phòng ngự, nhưng cuối cùng chúng ta cũng có 3 bàn thắng.

Sau 2 ngày nghỉ xả hơi, sáng 1-12 tuyển Việt Nam nỗ lực tập luyện chuẩn bị đại chiến với Malaysia.  Ảnh: T.L
Sau 2 ngày nghỉ xả hơi, sáng 1-12 tuyển Việt Nam nỗ lực tập luyện chuẩn bị đại chiến với Malaysia. Ảnh: T.L

Phải đến chiến thắng quyết định trước Philippines mới thực sự thuyết phục dư luận, nhưng ít ai ngờ theo thống kê kỹ thuật ở trận này VN kiểm soát bóng chỉ bằng phân nửa đối phương (31% so với 69%), chuyền ít hơn (346/544), tranh chấp tay đôi kém hơn (49% và tỷ lệ chiến thắng chỉ là 30%, trong khi Philippines là 51% và thắng tới 70%). Đội chủ nhà chỉ nhiều hơn 2 cú sút (9 so với 7) nhưng độ chính xác thì gấp đôi (4 so với 2) và có 3 bàn thắng, trong khi Philippines chỉ có 1. Các con số ấy nói lên điều gì? VN là đội chơi hợp lý và hiệu quả hơn hẳn. Sự hợp lý đến từ cách dùng người, vận hành chiến thuật của HLV Miura và tuân thủ đấu pháp của các cầu thủ. Với cặp tiền vệ trung tâm Huy Hùng - Hoàng Thịnh che chắn, “dọn dẹp” phía trước, hàng thủ vốn không an toàn được gia cố dày hơn. Tiền đạo lợi hại nhất của Philippines Phil Younghusband hoàn toàn “tắt điện” khi sau lưng luôn có 1 trung vệ áp sát, còn trước mặt là một tiền vệ trụ án ngữ. Tương tự, mỗi khi cầu thủ đối phương có bóng lập tức ít nhất 2 chiếc áo đỏ vây ráp, hoặc bóng bật hàng thủ trở ra luôn có người tiếp ứng. Thường việc sử dụng cả 2 tiền vệ trung tâm thiên về phòng ngự, đánh chặn lại làm hạn chế sức tấn công. Nhưng hạn chế này ở ĐTVN đã được khắc phục nhờ khả năng thu hồi và đưa bóng lên thật nhanh, cùng sự tích cực di chuyển, cơ động của tuyến trên. Thực tế ngay cả các đợt phản công nhanh, chúng ta vẫn đảm bảo quân số ít nhất 3 cầu thủ trên 1/3 phần sân Philippines. Điều băn khoăn ở hàng công là chúng ta có những bàn thắng cực đẹp, rất khó nhưng lại bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn.

Niềm tin đã trở lại và điều thú vị là cho đến giờ người ta vẫn chưa thể biết được đâu là giới hạn của ĐTVN dưới thời Miura.

Ngoài mang lại những cải thiện trông thấy về tinh thần, thể lực, cùng sự rất mạnh dạn trong dụng binh, theo chúng tôi dấu ấn mang tính cách mạng mà nhà cầm quân người Nhật mang đến cho ĐTVN chính là lối chơi và khả năng thay đổi lối chơi. Đa dạng (kể cả sử dụng bóng bổng, vốn được coi là “tối kỵ” với thể hình cầu thủ VN), nhiều mảng miếng và linh hoạt trước từng đối thủ, thậm chí từng hiệp đấu trên nền tảng chung là nhanh, mạnh, khéo léo. HLV Dooley của Philippines phải thừa nhận: VN tấn công quá nhanh khiến cầu thủ của ông không kịp phản ứng. Chưa hẳn là hay hơn, lợi hại hơn nhưng VN giờ đây không còn là một đội tuyển dễ “bắt bài”, phá lối chơi vì thực sự cho đến lúc này khó thể chỉ ra đâu là vũ khí sở trường của ông Miura (một ví dụ, không phải là Philippines nổi tiếng chơi bóng dài, bổng, mà chính VN mới sử dụng những đường chuyền dài nhiều hơn với 17,1% so với 10,1%). Khả năng “đọc” trận đấu, thay người của HLV Miura cũng đáng ghi nhận, như việc ông thay bộ đôi tiền vệ cánh Minh Tuấn, Thành Lương bằng 2 hậu vệ Thanh Hiền, Văn Biển để gia cố 2 hành lang, hạn chế sức tấn công biên của Philippines, bảo toàn chiến thắng.

Đông Kha

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều